CƠ HỘI ĐƯỢC NGHIÊN CỨU CÁC VẬT LIỆU PHÁT QUANG TIÊN TIẾN DƯỚI SỰ HƯỚNG DẪN CỦA TS. NGUYỄN VĂN NGHĨA.

Thứ tư - 19/06/2024 23:13
TS. Nguyễn Văn Nghĩa bảo vệ luận án tiến sĩ tại Đại học Ulsan, Hàn Quốc, năm 2016. Sau đó, thầy tiếp tục nghiên cứu sau tiến sĩ tại Khoa Hoá học, Đại học Ulsan (2017-2018) và Đại học Ewha (2018-2019), Seoul. Từ năm 2019-2024, thầy công tác với vai trò là Research Professor tại Đại học Ewha. Hiện tại, thầy đang công tác tại Nhóm chuyên môn Hoá phân tích, Khoa Hóa học, Trường Hóa và Khoa học Sự sống (KHSS), Đại học BKHN.
CƠ HỘI ĐƯỢC NGHIÊN CỨU CÁC VẬT LIỆU PHÁT QUANG TIÊN TIẾN DƯỚI SỰ HƯỚNG DẪN CỦA TS. NGUYỄN VĂN NGHĨA.
TS. Nguyễn Văn Nghĩa được bình chọn là 1 trong 20 nhà khoa học trẻ Việt Nam có thành tích khoa học xuất sắc năm 2020 (Top 20 đề cử Giải thưởng Khoa học công nghệ Quả Cầu Vàng 2022). Tiến sĩ Nguyễn Văn Nghĩa đã công bố ~35 bài báo trên tạp chí quốc tế ISI uy tín với chỉ số trích dẫn (citations) > 2900, trong đó có nhiều công trình được đăng trên các tạp chí uy tín của chuyên ngành Hoá học như: Chemical Reviews (IF: 62.1); Chemical Society Reviews (IF: 46.2); Journal of the American Chemical Society (IF: 15.0); Angewandte Chemie International Edition (IF: 16.6). TS. Nguyễn Văn Nghĩa có 2 bằng sáng chế Mỹ, hơn 4 bằng sáng chế Hàn Quốc. Hướng nghiên cứu của thầy tập trung vào nghiên cứu phát triển vật liệu phát quang tiên tiến ứng dụng trong phân tích môi trường và y sinh.
Hình 1. Một số ứng dụng của vật liệu phát quang
Một trong những hướng nghiên cứu của TS. Nguyễn Văn Nghĩa là nghiên cứu phát triển sensor huỳnh quang và các chất đánh dấu huỳnh quang định hướng ứng dụng trong phân tích môi trường và y sinh. Trong thập niên gần đây, phạm vi ứng dụng của sensor huỳnh quang ngày càng được mở rộng để phát hiện chọn lọc các đối tượng phân tích như cation kim loại, anion, các phân tử sinh học trong môi trường cũng như trong cơ thể sống. Các chất phân tích được phát hiện và định lượng dựa trên sự thay đổi tín hiệu huỳnh quang trước và sau khi tương tác với sensor huỳnh quang. So với các phương pháp phân tích truyền thống, việc sử dụng các sensor huỳnh quang có những lợi thế nhất định, như quá trình xử lý mẫu tương đối đơn giản, thời gian phân tích nhanh, thiết bị có giá thành không cao và các phép đo huỳnh quang có thể theo dõi theo thời gian thực trong các hệ sinh học.
Hình 2. Một số hình ảnh về đầu dò huỳnh quang.
Công nghệ hình ảnh nội soi (Intravital Imaging) là một công nghệ quan trọng trong y học hiện đại, cho phép chúng ta có cái nhìn sâu hơn về các hoạt động sinh lý diễn ra bên trong cơ thể sống ở cấp độ phân tử. Cùng với sự phát triển của kính hiển vi huỳnh quang (fluorescence imaging microscope), các sensor huỳnh quang và chất đánh dấu huỳnh quang là những yếu tố không thể thay thế trong công nghệ này. Đặc biệt, trong lĩnh vực điều trị ung thư, việc sử dụng các chất đánh dấu huỳnh quang dẫn hướng trong phẫu thuật giúp mô phỏng đường đi của các tế bào ung thư, qua đó cung cấp cho các bác sĩ cái nhìn rõ ràng nhất về các tế bào ung thư, giúp họ loại bỏ các tế bào khối u mà không gây hại cho những tế bào khỏe mạnh xung quanh.
Một hướng nghiên cứu nữa của TS. Nguyễn Văn Nghĩa là nghiên cứu phát triển vật liệu nano huỳnh quang ứng dụng trong liệu pháp quang học điều trị ung thư và các bệnh truyền nhiễm. Trong những năm gần đây, bên cạnh ba phương pháp điều trị ung thư chuẩn, xuất hiện một vài phương pháp điều trị ung thư mới, trong đó có phương pháp mang tên liệu pháp quang động học (Photodynamic Therapy - PDT). PDT là một phương pháp đầy hứa hẹn đối với nhiều bệnh ung thư khác nhau và đã được nghiên cứu rộng rãi trên thế giới trong những năm gần đây vì hiệu quả điều trị ung thư cao, nhắm trúng đích, ít gây tác dụng phụ không mong muốn cho bệnh nhân ung thư. Liệu pháp quang động cũng được ứng dụng rộng rãi trong điều trị các bệnh về da và bệnh truyền nhiễm.
Hình 3. Ứng dụng của vật liệu nano phát quang trong điều trị ung thư
 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây