[Ngành Môi trường] Lựa chọn EV1- Kỹ thuật môi trường hay EV2- Quản lý Tài nguyên và Môi trường

Thứ sáu - 22/03/2024 23:25

Việc trả lời cho câu hỏi này phụ thuộc vào sở thích cá nhân, năng lực bản thân và đương nhiên phải có sự hiểu biết đầy đủ về kiến thức chuyên môn, cơ hội việc làm ở từng ngành đào tạo.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, nước ta bước vào thời kỳ đổi mới; quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa đất nước đòi hỏi phải khai thác ồ ạt nguồn tài nguyên và trong sự đầu tư này đã nảy sinh hàng loạt các biến động môi trường. Vấn đề ô nhiễm môi trường là một thách thức lớn mà nước ta đã và đang phải đương đầu hiện nay và trong nhiều năm tới. Do đó, nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực về môi trường phải được coi là chìa khóa của chiến lược quốc gia. Nó không những mang tính quy mô sâu rộng mà còn mang tính cấp thiết thời sự để giải quyết các vấn đề bức xúc về bảo vệ môi trường trong phát triển bền vững. Trong chương trình đào tạo bắt đầu từ năm 1998 và điều chỉnh qua một số lần để phù hợp với nhu cầu xã hội, ĐH Bách Khoa đã thực hiện công tác đào tạo kỹ sư và hiện nay có thêm đào tạo cử nhân ở cả 2 chuyên ngành Công nghệ môi trường và  Quản lý môi trường trong ngành Khoa học và Kỹ thuật môi trường. Trong quá trình học tập, một điểm đặc biệt là số sinh viên lựa chọn định hướng Quản lý môi trường đang dần có xu hướng gia tăng. Xuất phát từ lý do này và thực tế là nhu cầu về nhân lực tốt nghiệp đúng ngành tại các cơ quan quản lý các cấp liên quan đến môi trường đang là vấn đề cấp bách, ĐH Bách Khoa đã chính thức mở ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường với mục tiêu đáp ứng đầy đủ kiến thức yêu cầu của ngành. Như vậy, EV1- Kỹ thuật môi trường và EV2- Quản lý tài nguyên và môi trường tại ĐH Bách Khoa đều có nền tảng là Khoa học và Kỹ thuật môi trường.


Ngành Kỹ thuật môi trường hướng tới mục tiêu đào tạo cho người học những công việc như thiết kế, vận hành, đánh giá hệ thống xử lý chất thải và xây dựng các giải pháp quản lý môi trường dựa trên cơ sở có được kiến thức toán, khoa học cơ bản và kiến thức cơ sở chuyên môn vững chắc của ngành. Người học Kỹ thuật môi trường sẽ có được năng lực hình thành ý tưởng, tham gia thiết kế, thực hiện và vận hành các hệ thống xử lý chất thải, xây dựng và phát triển giải pháp kỹ thuật bảo vệ môi trường hướng tới phát triển bền vững.

Trong khi đó, ngành Quản lý Tài nguyên và môi trường tập trung đào tạo cho người học khả năng thích ứng tốt với việc quản lý sự tương tác và tác động của con người đến môi trường cũng dựa trên cơ sở các kiến thức toán, khoa học cơ bản và nắm vững kiến thức chuyên sâu của lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Người học Quản lý tài nguyên và môi trường sẽ có được kỹ năng nghề nghiệp và phẩm chất cá nhân cần thiết trong các lĩnh vực chuyên sâu của quản lý tài nguyên và môi trường như bảo vệ sự sống và hệ thống sinh thái, nhận dạng các yếu tố có thể bị ảnh hưởng do xung đột tăng lên giữa các nhu cầu đối với các nguồn tài nguyên và tính cấp bách cần bảo vệ môi trường.

Hai ngành học đều giúp cho người học có được kỹ năng chuyên nghiệp, phẩm chất cá nhân và kỹ năng xã hội cần thiết để thành công trong nghề nghiệp, có khả năng tự học, cập nhật kiến thức, làm việc hiệu quả trong nhóm đa ngành, đa văn hóa và trong môi trường quốc tế; có được tư duy hệ thống, có kỹ năng sử dụng ngoại ngữ trong lĩnh vực chuyên môn, sử dụng thành thạo máy tính và phần mềm cơ bản.
Về khối kiến thức cơ bản và chuyên sâu của 2 ngành cũng có những đặc thù riêng.
Ngành Kỹ thuật môi trường hướng tới:

  • Các công nghệ ngăn ngừa, và kiểm soát ô nhiễm 

  • Công nghệ thu hồi, tái chế và tái sử dụng chất thải 

  • Kỹ thuật phục hồi các khu vực ô nhiễm

  • Kỹ thuật xác định các chất ô nhiễm nhằm đánh giá hiện trạng và dự báo các chất ô nhiễm

  • Công cụ và kỹ năng lên kế hoạch và thực hiện các hoạt động nhằm đảm bảo an toàn trong lao động, giảm rủi ro liên quan đến sức khỏe và bảo vệ môi trường tại các cơ sở sản xuất công nghiệp

Các hướng chuyên sâu của ngành Kỹ thuật môi trường bao gồm:

  • Công nghệ Môi trường: 

  • Kỹ thuật kiểm soát ô nhiễm

  • An toàn- Sức khỏe - Môi trường

Ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường hướng tới:

  • Các phương pháp và công cụ trong quản lý tài nguyên, môi trường và hệ sinh thái

  • Kỹ năng phân tích và mô phỏng trong đánh giá chất lượng môi trường, đánh giá tác động môi trường, rủi ro sinh thái và sự cố môi trường

  • Phát triển các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên hướng tới kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững

  • Các giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả, quản lý môi trường bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu

Các hướng chuyên sâu của ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường bao gồm:

  • Kinh tế tuần hoàn và Phát triển bền vững

  • Năng lượng, Môi trường và Biến đổi khí hậu



Về cơ hội việc làm, sinh viên tốt nghiệp 2 ngành đều có thể ứng tuyển vào các vị trí như: cán bộ phụ trách môi trường tại các Bộ/ngành chuyên môn như Bộ/Sở Công thương, Bộ/Sở Y tế, Bộ NN&PTNT, Bộ GTVT, Tổng Cục Cảnh sát môi trường…; chuyên gia tư vấn, đánh giá, giám sát, quản lý các dự án môi trường và phát triển trong nước và quốc tế; chuyên viên môi trường tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất, các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương đến trung ương liên quan đến lĩnh vực bảo vệ môi trường; nghiên cứu viên tại các cơ sở đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực môi trường. Ngoài ra, SV tốt nghiệp ngành Kỹ thuật môi trường có thể trở thành kỹ sư thiết kế, thi công, vận hành các công trình xử lý chất thải. Sinh viên ngành Quản lý Tài nguyên và môi trường có thể làm việc tại các khu bảo tồn sinh thái, vườn quốc gia, các tổ chức phi chính phủ trong lĩnh vực bảo tồn và sử dụng hiệu quả tài nguyên.
Sinh viên học tập tại 2 ngành đào tạo về môi trường tại Đại học Bách Khoa HN đều có cơ hội “Học để biết- Học để làn- Học để sáng tạo- Học để chung sống”


 

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây