CHƯƠNG TRÌNH KỸ THUẬT SINH HỌC (BF1 VÀ BF-E19) - NƠI KHỞI NGUỒN NHỮNG SÁNG TẠO KHOA HỌC

Thứ tư - 03/07/2024 20:00
Nghiên cứu khoa học (NCKH) là một yếu tố thiết yếu trong chương trình đào tạo tại các trường đại học, đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành tư duy và phương pháp nghiên cứu khoa học cho sinh viên. Chương trình Kỹ thuật Sinh học (mã tuyển sinh: BF1 và BF-E19) của Trường Hóa và Khoa Học Sự Sống, Đại học Bách Khoa Hà Nội đã thực hiện xuất sắc phương châm “giảng dạy kết hợp với thực nghiệm và NCKH”. Minh chứng tiêu biểu là thành tích nổi bật của nhóm sinh viên trong cuộc thi NCKH lần thứ 41 năm học 2023-2024.
Nhóm nghiên cứu cùng với thầy hướng tại hôi nghị sinh viên NCKH cấp Đại học
Nhóm nghiên cứu cùng với thầy hướng tại hôi nghị sinh viên NCKH cấp Đại học
Trong cuộc thi NCKH lần thứ 41 năm học 2023 - 2024 của Đại học Bách Khoa Hà Nội, nhóm sinh viên gồm Trần Thảo Vy, Nguyễn Thị Thu Huyền, Ngô Minh Đức dưới sự hướng dẫn của PGS. TS. Phạm Tuấn Anh đã đạt giải nhất cấp đại học với đề tài "Nghiên cứu sinh tổng hợp Torularhodin từ nấm men đỏ và ứng dụng trong sản xuất thực phẩm chức năng".
Thị trường các sản phẩm bổ sung có đặc tính chống oxy hóa, kháng khuẩn có nguồn gốc tự nhiên cho thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm đã tăng trưởng rất nhanh trong hai thập kỷ qua. Torularhodin, một hợp chất có hoạt tính sinh học quý và đa dạng, có khả năng trung hòa gốc tự do, kháng khuẩn, và tiềm năng chống ung thư, là sản phẩm hấp dẫn cho các ứng dụng công nghiệp. Trong nghiên cứu này, nhóm đã tuyển chọn chủng nấm men có khả năng sinh tổng hợp Torularhodin cao và thực hiện các kỹ thuật đột biến, dung hợp tế bào trần, tối ưu điều kiện nuôi cấy nhằm nâng cao năng suất sinh tổng hợp. Kết quả cho thấy năng suất sinh tổng hợp tăng 16,4 lần, đạt 9647,06 µg/L. Sản phẩm được bao gói dạng micro-encapsulation, tăng độ bền và độ tan trong nước, ứng dụng trong thực phẩm chức năng.
Nhóm nghiên cứu cùng sản phẩm của đề tài tại triển lãm trong khuôn khổ hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học
Chia sẻ từ nhóm nghiên cứu: "Dưới sự hướng dẫn của thầy hướng dẫn và các anh chị, mỗi đứa bắt đầu tự tìm hiểu hướng nghiên cứu riêng. Ban đầu gặp nhiều khó khăn, nhưng chúng mình đã thống nhất lựa chọn các phương pháp tăng năng suất Torularhodin, bao gồm tối ưu môi trường nuôi cấy, đột biến bằng tia UV, tối ưu điều kiện nuôi cấy, và dung hợp tế bào trần. Các thí nghiệm được thực hiện tại trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ Sinh học với sự giúp đỡ của các thầy cô và nhiều thiết bị hiện đại"
Thiết bị photobioreactor do nhóm nghiên cứu tự thiết kế

"Nhóm chúng mình tự hào thiết kế được thiết bị photobioreactor phục vụ nghiên cứu. Ban đầu lo sợ nghiên cứu khó khăn, nhưng nhờ sự giúp đỡ của cả phòng thí nghiệm và thầy mà chúng mình vượt qua. Cuộc thi NCKH giúp chúng mình nâng cao kỹ năng phản biện, tự tin bảo vệ quan điểm, kỹ năng tìm tòi, đọc hiểu bài báo tiếng Anh chuyên ngành, và thao tác thí nghiệm. Tình bạn của chúng mình ngày càng gắn kết, và góc nhìn về khoa học được mở rộng rất nhiều."
"Chúng mình đã đánh giá hoạt tính chống oxy hóa của sản phẩm gấp 5 lần Beta-Carotene và khả năng chống lại vi khuẩn E. coli và Staphylococcus aureus. Hy vọng sản phẩm sẽ đóng góp cho ngành thực phẩm chức năng nước nhà."
 

Chương trình Kỹ Thuật Sinh học của trường Hóa và Khoa Học Sự Sống tại Đại học Bách Khoa Hà Nội không chỉ cung cấp kiến thức mà còn mang đến cơ hội thực nghiệm và nghiên cứu khoa học. Những thành tích và trải nghiệm của nhóm sinh viên đạt giải nhất trong cuộc thi NCKH lần thứ 41 là minh chứng rõ ràng cho sự thành công của phương châm "giảng dạy kết hợp với thực nghiệm và NCKH". Đây chính là nền tảng vững chắc để các bạn sinh viên phát triển tư duy sáng tạo và khả năng nghiên cứu độc lập, góp phần tạo ra tri thức và sản phẩm mới cho xã hội.

Chúng tôi tự hào và tin tưởng rằng, với sự hỗ trợ và hướng dẫn tận tâm từ các thầy cô, sinh viên sẽ tiếp tục đạt được những thành công lớn hơn trong tương lai.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây