Nguyễn Thị Phượng, Điện hóa K60 - Hành Trình Từ Đại học Bách Khoa Hà Nội Đến Đại học Oklahoma, Mỹ

Thứ năm - 28/03/2024 15:08
Trường Hóa và Khoa học Sự sống (SCLS), ĐHBK Hà Nội được thành lập trên cơ sở tái cấu trúc và sắp xếp lại 4 viện gồm: Viện Kỹ thuật Hóa học, Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường, Viện Công nghệ Sinh học & Công nghệ Thực phẩm, Viện Nghiên cứu và Phát triển ứng dụng các hợp chất thiên nhiên. Đến 29/3, SCLS sẽ tổ chức kỷ niệm 1 năm thành lập trường. Mặc dù mới 1 năm tuổi nhưng các thầy cô của SCLS đã đưa rất nhiều chuyến đò qua sông. Vậy những người qua đò - những sinh viên ngày ấy, đã cảm nghĩ gì về thời gian học dưới mái trường Bách Khoa? Xin hãy cùng nhau đọc lá thư của em Phượng, khóa 60 chuyên ngành Điện hóa, để thấy được một cái nhìn chân thực về Bách Khoa qua góc nhìn của một cựu sinh viên.


Chào các bạn,
Tôi là Phượng, một cựu sinh viên khóa 60 chuyên ngành Điện hóa tại Đại học Bách Khoa Hà Nội, hiện tại đang là nghiên cứu sinh tại Mỹ trong lĩnh vực Kỹ thuật Hóa học. Tôi không phải là người giỏi chia sẻ, cũng không giỏi viết văn, nhưng tôi hy vọng những dòng chia sẻ này có thể giúp các bạn thấy được một cái nhìn chân thực về Bách Khoa qua góc nhìn của một cựu sinh viên.

Lớp Điện hóa K60

Tôi đã trải qua bảy năm học tại Đại học Bách Khoa trước khi sang Đại học Oklahoma (Mỹ) để làm nghiên cứu sinh ngành Hóa học. Trải qua năm năm đại học và gần hai năm thạc sĩ chuyên ngành Điện hóa, khi nhắc đến Bách Khoa, trong tôi luôn sâu đậm nhất là những kỷ niệm về những buổi ngồi ngoài hành lang chờ thi vấn đáp và những lúc học thuộc hết cả sách Hóa công mà khi thầy cô hỏi vẫn không biết câu trả lời ở đâu.



ACS Regional onference 2023, USA

Tôi không phải là người có niềm đam mê từ đầu, cũng không có ước mơ hay hoài bão gì to lớn. Ban đầu, tôi chỉ muốn kiếm nhiều tiền hơn thay vì đi học đại học. Do đó, trong những năm đầu ở Đại học Bách Khoa, tôi hầu như không để ý đến việc học. Thậm chí, tôi đã không chọn Kỹ thuật Hóa là nguyện vọng đầu tiên, mà chỉ bước vào vì trượt nguyện vọng 1 ngành Điện tử Viễn thông.

Với sự khởi đầu không có niềm đam mê, và phải tự lo trang trải cuộc sống, tôi nhiều lần muốn từ bỏ. Tôi tin rằng nhiều bạn cũng trải qua điều tương tự. Nhưng may mắn hơn, tôi tìm thấy đam mê của mình sau hơn một năm ở Bách Khoa nhờ vào sự giúp đỡ và hướng dẫn nhiệt tình của các thầy cô trong khoa Kỹ thuật Hóa học, cũng như sự hỗ trợ từ bạn bè.



Trải qua những năm học chuyên ngành Điện hóa, tôi nhận được sự nhiệt tình và ấm áp không chỉ từ các thầy cô trong bộ môn mà còn từ tất cả các thầy cô trong khoa. Ngoài kiến thức chuyên môn, tôi cũng được tham gia vào nhiều hoạt động giao lưu với các cựu sinh viên và doanh nghiệp, từ đó mở rộng mạng lưới cựu sinh viên Bách Khoa và có nhiều cơ hội việc làm sau này.

Đại học Bách Khoa Hà Nội đã mang lại cho tôi những người bạn đồng hành, những người không chỉ chịu khó học mà còn chịu khó chơi. Chúng tôi hiểu rằng thời sinh viên là quãng thời gian quý báu, nên chúng tôi đã cùng nhau trải qua những kỷ niệm đáng nhớ. Đây là niềm vui và động lực rất lớn trong quãng thời gian tôi ở Bách Khoa.


Thực tập tốt nghiệp tại nhà máy Chân Thiện Mỹ - Hưng Yên

Với tôi, bảy năm ở Bách Khoa cũng có những khó khăn và thách thức.  Những đồ án xuyên đêm, những môn học khó nhằn và cả những buổi vấn đáp căng thẳng. Nhưng sau này tiếp xúc với công việc và xã hội tôi mới hiểu những gì mình được rèn giũa cùng những kỹ năng và tư duy mình có được ở Bách Khoa có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Nếu bạn đang tìm kiếm đam mê của mình, hãy kiên nhẫn, bạn sẽ tìm được. Nếu bạn đã tìm thấy đam mê và theo đuổi nó tại Bách Khoa, hãy tự tin, bạn đã đi được một nửa hành trình. Chúc các bạn "chân cứng đá mềm", tìm được niềm vui, sự thoải mái và thành công trong mỗi lựa chọn của chính mình.

Chân thành,
Phượng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây