Trường Hóa và Khoa học Sự sốnghttps://scls.hust.edu.vn/uploads/scls/logo-dhbk-1-02_130_191.png
Thứ tư - 09/07/2025 11:35
Khoa học không chỉ là những con số hay công thức khô khan. Đằng sau mỗi công trình nghiên cứu là câu chuyện của những con người miệt mài tìm tòi, thử nghiệm và bền bỉ theo đuổi đam mê. Câu chuyện của Nguyễn Văn Đoàn – cựu sinh viên ngành Hóa học K64, Trường Hóa và Khoa học Sự sống, Đại học Bách khoa Hà Nội – chính là một minh chứng sống động cho điều đó.
Nguyễn Văn Đoàn là cựu sinh viên ngành Hóa học khóa K64, Trường Hóa và Khoa học Sự sống, Đại học Bách khoa Hà Nội – nơi đã đặt nền tảng học thuật vững chắc và nuôi dưỡng đam mê nghiên cứu khoa học trong suốt quá trình học tập. Với định hướng rõ ràng theo đuổi lĩnh vực Hóa học và Môi trường, cùng tinh thần cầu tiến và bền bỉ, anh đã lựa chọn tiếp tục chương trình tích hợp Cử nhân – Thạc sĩ tại trường.
Quá trình học tập và rèn luyện tại Đại học Bách khoa Hà Nội không chỉ giúp anh hình thành tư duy khoa học hệ thống mà còn là bước khởi đầu quan trọng cho con đường nghiên cứu chuyên sâu mà anh đang theo đuổi.
Ngay từ khi còn là sinh viên, Đoàn đã tích cực tham gia các đề tài nghiên cứu về vật liệu hóa học ứng dụng trong xử lý ô nhiễm kim loại nặng – một trong những thách thức cấp thiết trong bảo vệ môi trường nước hiện nay. Dưới sự hướng dẫn tận tình của PGS.TS. Vũ Anh Tuấn, anh đã sớm được tiếp cận với phương pháp nghiên cứu chuyên nghiệp, phát triển tư duy khoa học hệ thống và kỹ năng làm việc trong môi trường học thuật nghiêm túc.
Tiếp nối niềm đam mê nghiên cứu, trong chương trình cao học, Đoàn mở rộng lĩnh vực quan tâm sang các vật liệu oxit kim loại và vật liệu sinh học có nguồn gốc từ phụ phẩm nông nghiệp, như vỏ trấu, lá rau diếp, lá chùm ngây…Với mục tiêu tạo ra các vật liệu bền vững, hiệu quả và thân thiện với môi trường, Đoàn đã thực hiện nhiều nghiên cứu có tính ứng dụng cao, kết hợp các phương pháp biến tính hóa học và kỹ thuật tổng hợp tiên tiến như nhiệt phân, siêu âm, sol-gel, sấy phun… Các nghiên cứu này không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả xử lý ô nhiễm mà còn hướng đến các giải pháp kinh tế, khả thi cho thực tế.
Chất hấp phụ từ nhôm oxit ứng dụng để xử lý chất màu Methylene Blue
Chất hấp phụ sinh học có nguồn gốc từ lá diếp cá được ứng dụng để xử lý kim loại nặng trong nước
Sau khi hoàn thành xong chương trình cử nhân tích hợp thạc sỹ, Nguyễn Văn Đoàn đã đóng góp trong 13 công trình nghiên cứu được công bố, trong đó có tới 7 bài đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín thuộc danh mục Q1 (Journal of Water Process Engineering, Journal of Hazardous Materials Advances, Materials Research Bulletin...) với chỉ số ảnh hưởng (IF) cao, thể hiện năng lực nghiên cứu độc lập, nghiêm túc và có chiều sâu..
Song hành với việc nghiên cứu, Đoàn cũng tích cực tham gia hoạt động học thuật trong phòng thí nghiệm, hỗ trợ sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học và cùng giảng viên xây dựng nhóm nghiên cứu trẻ về lĩnh vực vật liệu xanh. Những trải nghiệm này giúp Đoàn không ngừng trau dồi kỹ năng chuyên môn, đồng thời mở rộng tư duy học thuật, hướng đến những giá trị dài hạn cho khoa học và cộng đồng.
Hiện nay, Nguyễn Văn Đoàn đang công tác tại Phòng Công nghệ xanh và Phân tích Môi trường, Viện Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội – nơi tiếp tục đồng hành cùng anh trên con đường nghiên cứu chuyên sâu về vật liệu hấp phụ tiên tiến trong xử lý nước thải. Với mục tiêu lâu dài trở thành một nhà khoa học có năng lực nghiên cứu độc lập và đóng góp thực tiễn cho ngành môi trường, Đoàn không ngừng học hỏi, phát triển bản thân và mong muốn trong tương lai có thể tiếp tục học tập, hợp tác quốc tế và giảng dạy để truyền cảm hứng cho thế hệ sinh viên trẻ.
Với phong thái làm việc nghiêm túc, tinh thần học thuật bền bỉ và những đóng góp nghiên cứu thiết thực, Nguyễn Văn Đoàn là một trong những gương mặt trẻ tiêu biểu, đang từng bước khẳng định vị trí của mình trong cộng đồng nghiên cứu khoa học và phát triển bền vững.