'G-J2NQVPE352' ]; if (isset($ga_ids[$host])) { $ga = $ga_ids[$host]; ?>

“Cô nàng mê hóa” – Từ phòng thí nghiệm đến giấc mơ quốc tế

Thứ tư - 23/07/2025 16:33
Với nhiều sinh viên, quãng đời đại học có thể chỉ gói gọn trong những giờ học lý thuyết, các bài thi và những buổi thực hành bắt buộc. Nhưng với Ngô Ngọc Bảo An - sinh viên Khoa Hoá Học, Trường Hóa và Khoa học Sự sống, Đại học Bách Khoa Hà Nội - những năm tháng ấy còn là hành trình không ngừng khám phá, tìm tòi và khẳng định chính mình trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học.
“Cô nàng mê hóa” – Từ phòng thí nghiệm đến giấc mơ quốc tế
Ngay từ những ngày đầu bước chân vào giảng đường Bách Khoa, Bảo An đã nuôi dưỡng trong mình khát vọng trở thành một nhà nghiên cứu hoá học thực thụ. Thành tích học tập đáng nể - tốt nghiệp Cử nhân Hoá Học loại Xuất sắc với CPA 3.91/4.00 - là minh chứng rõ nét cho tinh thần học tập nghiêm túc, bền bỉ và cầu thị của An. Không chỉ dừng lại ở bậc Cử nhân, niềm đam mê trong nghiên cứu đã thôi thúc An tiếp tục theo đuổi con đường học thuật khi chuẩn bị cho quyết định chuyển tiếp lên chương trình Thạc sĩ Hoá Học từ năm thứ 3. Ở đó An biết rằng mình vẫn tiếp tục đào sâu chuyên môn, tích luỹ thêm kinh nghiệm nghiên cứu để biến ước mơ khoa học trở thành hiện thực.

Trong suốt 4 năm học tại Đại học Bách Khoa Hà Nội, Bảo An chưa từng bỏ lỡ cơ hội khẳng định mình. 7 học kỳ liên tiếp (từ 2021.1 đến 2024.1, An đều đạt học bổng khuyến khích học tập loại Giỏi và Xuất sắc - một thành tích mà không phải sinh viên nào cũng duy trì được xuyên suốt chặng đường đại học. Đặc biệt, năm 2023, Bảo An đã xuất sắc giành được Giải Nhì Nghiên cứu Khoa học cấp Đại học - minh chứng cho khả năng nghiên cứu nghiêm túc và tinh thần dám thử thách của mình.

Không chỉ học giỏi, Bảo An còn sớm ý thức được tầm quan trọng của việc mở rộng môi trường học thuật quốc tế. Với quyết tâm ấy, An đã giành được học bổng IIPP, do Hội đồng Khoa học và Công nghệ Quốc gia Đài Loan (National Science and Technology Council - NSTC) cấp với mức hỗ trợ 30.000 Đài tệ/tháng (tương đương khoảng 23 triệu VNĐ/tháng). Chương trình này mở ra cơ hội quý báu để An tham gia học tập và nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Đài Loan (National Taiwan University) - ngôi trường danh giá bậc nhất tại Đài Loan, nằm trong top 1 của quốc gia này và #68 thế giới theo QS World University Rankings. Chuyến đi kéo dài 3 tháng tuy không dài nhưng đủ để An hoà mình vào môi trường nghiên cứu chuyên nghiệp, tiếp cận những kỹ thuật, công nghệ và tư duy mới, đồng thời mở rộng góc nhìn về ngành Hoá Học trong bối cảnh toàn cầu hoá.

Bằng những nỗ lực không ngừng nghỉ, Bảo An đã trở thành tác giả chính của 01 bài báo khoa học đăng trên Journal of Science and Technology in Civil Engineering năm 2025 và là tác giả của 01 bài báo khác trên tạp chí của Bộ Xây dựng cùng năm. Ngoài ra An còn là đồng tác giả của 01 bài báo trên hệ thống Nature Publishing Group và 01 bài báo trên tạp chí JST năm 2025. Đó là những “trái ngọt” đầu tiên trên hành trình nghiên cứu khoa học của cô sinh viên trẻ đầy nhiệt huyết. An cũng hiểu rằng, trong nghiên cứu, thành tích không phải là mục tiêu cuối cùng mà là một chặng dừng chân để bước xa hơn.

Không chỉ chăm chỉ nghiên cứu học tập các giáo trình, bài giảng, các bài báo và lý thuyết thực hành, Bảo An còn chủ động trau dồi kỹ năng thực hành, làm việc thành thạo với các thiết bị phân tích hiện đại như SEM, TOC-L, COD, các hệ thống sắc ký… - những công cụ không thể thiếu, những kỹ năng thực tế vô cùng quý giá với nghiên cứu mà An đang thực hiện.

Chia sẻ về quãng thời gian tại Bách Khoa, Bảo An đã thể hiện lòng biết ơn và tình cảm đặc biệt đối với ngôi trường đã đào tạo và trang bị cho An nhưng kỹ năng quý báu: “Đối với em, Bách Khoa không chỉ là ngôi trường đại học, mà còn là ngôi nhà thứ hai đã nuôi dưỡng và rèn luyện em trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình. Bách Khoa cho em một nền tảng kiến thức vững chắc, một môi trường học tập nghiêm túc, năng động, đầy thử thách nhưng cũng rất nhiều cơ hội để phát triển. Ở đây, em được gặp gỡ những người thầy, người cô tận tâm, sẵn sàng chia sẻ và đồng hành cùng sinh viên trên hành trình học tập và nghiên cứu. Em cũng được làm việc cùng những người bạn nhiệt huyết, cùng ước mơ và cùng nhau động viên, hỗ trợ, vượt qua những buổi thí nghiệm dài, những đêm hoàn thiện báo cáo hay chuẩn bị bài thuyết trình. Tất cả những điều đó đã tạo nên quãng thời gian sinh viên đầy ý nghĩa và đáng nhớ nhất đối với em. Đặc biệt, em mong muốn được gửi lời cảm ơn sâu sắc nhất đến PGS. TS Trần Thị Thuý - người cô mà em vô cùng kính trọng và biết ơn. Cô không chỉ là người hướng dẫn, truyền đạt kiến thức mà còn là người truyền cảm hứng, động lực và luôn kiên nhẫn chỉ dẫn em từng bước đi khi em bắt đầu chạm tay vào công việc nghiên cứu. Em vẫn nhớ những buổi thảo luận kéo dài hàng giờ, những góp ý tỉ mỉ, những lời động viên đúng lúc của cô đã tiếp thêm cho em rất nhiều niềm tin để không bỏ cuộc khi gặp khó khăn. Nhờ có cô, em mới có đủ tự tin và nền tảng để dám bước ra ngoài, thử sức ở môi trường quốc tế, tích luỹ thêm kiến thức và kinh nghiệm quý giá.

Em thật sự biết ơn Bách Khoa, biết ơn thầy cô, bạn bè và tất cả những cơ hội mà ngôi trường này đã mang đến, những trải nghiệm tuyệt vời tại HUST. Em sẽ luôn tự hào là một phần của ngôi trường này và sẽ tiếp tục phấn đấu mạnh mẽ hơn, học hỏi, đóng góp hết sức mình để xứng đáng với những gì mà thầy cô đã tin tưởng, kỳ vọng.”

 

Tác giả: VP Trường

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây