Nhật Bản – đất lành cho dân ngành môi trường

Thứ hai - 21/07/2025 21:10
Bạn yêu thiên nhiên, thích cây cối và từng mơ một ngày được giải cứu Trái Đất? Ngành Khoa học và Công nghệ Môi trường chính là sân khấu dành cho bạn! Nhưng đừng tưởng làm môi trường là chỉ đi xử lý nước thải đâu nhé! Học ngành này tại Trường Hóa và Khoa học Sự sống (SCLS), Đại học Bách Khoa Hà Nội (HUST), bạn có thể đi xa hơn rất nhiều – thậm chí là... sang tận Nhật Bản, nơi hoa anh đào nở và các công ty cực kỳ "cuồng" nhân lực chất lượng cao.
Câu chuyện dưới đây là minh chứng sống động, từ chính cựu sinh viên Bách Khoa – chị Doãn Ngọc Anh, cựu sinh viên khóa 58, Viện Khoa học và công nghệ môi trường (HUST), tiền thân của khoa Khoa học và Công nghệ môi trường của SCLS - HUST, hiện đang "bay cao bay xa" ở Nhật Bản nhờ... học ngành môi trường một cách nghiêm túc và có chiến lược.
Ngọc Anh nhận bằng Tiến sĩ

Xin chào các bạn,
Mình là Ngọc Anh, K58 - INEST. Sau khi tốt nghiệp Đại học Bách Khoa, mình nhận được học bổng chính phủ Nhật (MEXT) để sang Nhật Bản học thạc sĩ. Sau khi hoàn thành thạc sĩ, mình có cơ hội thực tập 1 tháng tại công ty mình đang làm hiện nay theo học bổng JICA Innovative. Trong 3 năm làm tiến sĩ, mình vẫn tiếp tục hỗ trợ các dự án quốc tế của công ty. Tháng 10/2024, mình chính thức gia nhập công ty sau khi nhận bằng Tiến sĩ, hiện mình đang làm việc tại Phòng Giảm thiểu rủi ro thiên tai - Quy hoạch môi trường, đồng thời hỗ trợ Phòng xúc tiến kinh doanh quốc tế. Công việc hiện tại của mình tập trung vào các hoạt động khảo sát môi trường, đánh giá tác động môi trường và bảo tồn sinh thái, cũng như hỗ trợ phát triển công nghệ đất ngập nước nhân tạo tại Việt Nam. Công việc chính gồm: đi hiện trường, tổng hợp kết quả khảo sát, viết báo cáo, làm việc với chính quyền địa phương và khách hàng. Từ những kinh nghiệm bản thân, mình muốn chia sẻ thông tin về cơ hội việc làm trong ngành môi trường ở Nhật Bản như sau:

 Cơ hội việc làm ngành môi trường ở Nhật Bản:

Nước Nhật rất coi trọng bảo vệ môi trường và đã phát triển một hệ thống pháp lý và tiêu chuẩn môi trường chặt chẽ. Các lĩnh vực có nhu cầu nhân lực liên quan đến môi trường ở đây rất đa dạng:
  • Tư vấn thiết kế và quy hoạch môi trường;
  • Quan trắc – khảo sát môi trường (nước, không khí, đất, tiếng ồn);
  • Phân tích – kiểm nghiệm mẫu;
  • Xử lý nước thải, chất thải rắn, xử lý khí thải;
  • Phục hồi sinh thái, đa dạng sinh học;
  • Nghiên cứu và phát triển công nghệ xanh;
  • ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị) / SDGs (Mục tiêu phát triển bền vững) trong doanh nghiệp.   
Công cụ cần thiết khi đi khảo sát môi trường
            
Hình ảnh chụp khảo sát môi trường của Ngọc Anh
            

“Bí kíp” để làm việc ở Nhật Bản:

Ngoài kiến thức chuyên môn, có 2 “món” không thể thiếu để đi làm ở Nhật Bản một cách thuận lợi là Tiếng Nhật giao tiếp và chuyên ngành, và bằng lái ô tô. Công việc khảo sát môi trường ở Nhật Bản thường phải đi hiện trường nhiều. Do đó, các bạn cần chuẩn bị sẵn hai món này.
Một điểm quan trọng nữa mà mình muốn chia sẻ với các bạn đó là văn hóa làm việc ở Nhật Bản. Khi mới ra trường, các công ty Nhật Bản không đòi hỏi bạn “biết làm ngay”. Họ sẽ dành thời gian và có lộ trình đào tạo để bạn học hỏi và tích lũy kinh nghiệm. Điều quan trọng nhất mà công ty đòi hỏi ở bạn là: Thái độ cầu tiến, ham học hỏi và Tinh thần trách nhiệm.

Quy trình tuyển dụng và lộ trình chuẩn bị:
Khác Việt Nam, tuyển dụng ở Nhật Bản thường mất khoảng 1 năm từ khi nộp đơn, phỏng vấn và được tuyển dụng chính thức. Sinh viên bắt đầu tìm việc từ năm cuối đại học/thạc sĩ. Do đó, nếu muốn làm ở Nhật Bản sau khi học đại học ở Việt Nam, lộ trình chuẩn bị hiệu quả nhất thường bao gồm:
  1. Học tiếng Nhật thật tốt (nên đạt ~JLPT N2) trong giai đoạn sinh viên
  2. Sang Nhật Bản học thạc sĩ 2 năm (nên lấy bằng lái ô tô trong năm 1 thạc sĩ)
  3. Bắt đầu tìm hiểu về cơ hội việc làm từ năm đầu thạc sĩ và nộp đơn xin việc ngay từ đầu năm 2.

 Những quyền lợi khi làm việc tại công ty:

  • Được đi nhiều nơi, tiếp xúc thực tế ở nhiều địa phương khác nhau
  • Công ty hỗ trợ việc học tiếng Nhật và phát triển năng lực ngôn ngữ chuyên ngành
  • Cải thiện kỹ năng lái xe (vì di chuyển o hiện trường là phần quan trọng của công việc)
  • Rèn luyện được tính kỷ luật và cẩn thận trong công việc
  • Học cách làm việc nhóm và giao tiếp chuyên nghiệp với đồng nghiệp, khách hàng và chính quyền
  • Tích lũy kiến thức chuyên ngành và kinh nghiệm thực tế
  • Có cơ hội kết nối nhiều chuyên gia, tổ chức, công ty trong và ngoài Nhật Bản

 Nếu muốn theo ngành môi trường ở Nhật, hãy bắt đầu từ những điều nhỏ và kiên trì theo đuổi. Đây là con đường không dễ đi, nhưng rất xứng đáng và đầy ý nghĩa!

Lợi thế khi học ngành Môi trường ở Bách Khoa

Đại học Bách Khoa Hà Nội là một trong những trường đại học hàng đầu Việt Nam, được đánh giá cao cả trong và ngoài nước. Tấm bằng Bách Khoa giúp hồ sơ của mình được tin cậy hơn khi xin học bổng, du học hoặc tìm việc ở Nhật Bản. Thêm vào đó, tốt nghiệp Bách Khoa còn là một lợi thế khi xin visa kỹ sư nhân lực chất lượng cao hoặc vĩnh trú ở Nhật, vì trường nằm trong danh sách các đại học uy tín được cộng điểm xét visa.
Ngọc Anh chụp ảnh cùng các bạn đồng niên trong ngày 

Các thầy cô ở Khoa mình rất tận tâm và giàu kinh nghiệm, luôn tạo điều kiện cho sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học, phát triển kỹ năng và tư duy độc lập. Chương trình đào tạo ngành Môi trường bài bản, giúp mình có nền tảng kiến thức vững để học tiếp lên cao và làm việc trong lĩnh vực này.

 

Tác giả: VP Trường

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây