Ngành Hóa học: Mảnh đất màu mỡ nhưng chưa được khai phá đúng mức

Thứ ba - 15/07/2025 15:02
Trong bối cảnh chuyển đổi số, công nghệ cao và nền kinh tế tuần hoàn đang là xu thế phát triển tất yếu, nhu cầu về nhân lực chất lượng cao trong các ngành khoa học cơ bản – đặc biệt là Hóa học – đang ngày một tăng. Tuy nhiên, trái với tầm quan trọng đó, ngành Hóa học vẫn chưa thật sự thu hút được sự quan tâm đúng mức từ phía các thí sinh và phụ huynh. Câu hỏi đặt ra là: Vì sao một ngành học có vai trò nền tảng, ứng dụng rộng rãi trong mọi mặt đời sống lại thiếu sức hút? Và đâu là lời giải để vực dậy tiềm năng to lớn ấy?
Chị Nguyễn Nam Hải, sinh viên Đại học Bách Khoa Hà Nội, trở về Ngày Hội việc làm với tư cách Nhà tuyển dụng của Công ty Cổ phần Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh
Hóa học – nền tảng không thể thiếu trong mọi lĩnh vực
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Đại học Quốc gia TP.HCM, việc đẩy mạnh đào tạo nhóm ngành khoa học cơ bản là yêu cầu chiến lược trong phát triển nguồn nhân lực quốc gia. Ông nhấn mạnh: muốn phát triển công nghệ cao, quản trị hiện đại, thì bắt buộc phải khởi đầu từ khoa học cơ bản. Trong đó, ngành Hóa học là trụ cột.

Từ y sinh, môi trường, năng lượng, vật liệu mới cho đến công nghiệp bán dẫn – chip điện tử, ngành Hóa học đều hiện diện như một lực lượng âm thầm nhưng không thể thay thế. Khi thế giới chuyển dịch mạnh mẽ sang nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững, vai trò “xương sống” của Hóa học càng trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết.
Đại diện công ty Cổ phần Thuốc Thú y Trung ương 5 gặp gỡ các em sinh viên nhân ngày Hội việc làm tổ chức tại trường Hóa và Khoa học Sự sống ngày 15/6.
Nghịch lý về nhận thức và thực tế
Tuy nhiên, một trong những rào cản lớn nhất là nhận thức chưa đầy đủ từ xã hội. Nhiều phụ huynh vẫn giữ định kiến rằng Hóa học là ngành học khó, độc hại và khó xin việc. Đây là một quan niệm lỗi thời. Trên thực tế, sinh viên tốt nghiệp ngành Hóa học có thể làm việc tại nhiều lĩnh vực đa dạng: từ nghiên cứu, sản xuất, quản lý chất lượng, phát triển sản phẩm, giáo dục, đến các cơ quan nhà nước và lực lượng vũ trang như Viện Khoa học Hình sự hay Binh chủng Hóa học.

Không dừng lại ở đó, các tập đoàn công nghệ lớn như Samsung, LG hiện nay cũng có nhu cầu lớn đối với nhân lực ngành Hóa học. Trong lĩnh vực sản xuất hóa chất, thực phẩm, mỹ phẩm, vật liệu mới... sinh viên Hóa học không chỉ làm việc mà còn có thể khởi nghiệp thành công. Thực tế, không ít CEO trong lĩnh vực hóa chất tại Việt Nam là cựu sinh viên ngành Hóa học của Đại học Bách Khoa Hà Nội.

 
Chị Lê Thu Trang, đại diện công ty Cổ phần quản lý vận hành xử lý nước thải Việt Nam, tham dự Ngày hội việc làm của trường Hóa và Khoa học Sự sống với vai trò nhà tuyển dụng.
Giá trị của chương trình đào tạo hiện đại và thực tiễn
Tại Trường Hóa và Khoa học Sự sống – Đại học Bách Khoa Hà Nội (SCLS - HUST, chương trình đào tạo ngành Hóa học không ngừng được đổi mới, tích hợp lý thuyết và thực hành, đảm bảo chuẩn kiểm định chất lượng AUN-QA. Ngay từ năm đầu tiên, sinh viên đã được trải nghiệm thực tập nhập môn tại doanh nghiệp. Trước khi tốt nghiệp, sinh viên còn trải qua kỳ thực tập kỹ thuật kéo dài từ 4–6 tuần – nơi họ trực tiếp làm việc và được doanh nghiệp đánh giá.

Bên cạnh đó, sinh viên được rèn luyện kỹ năng mềm – từ viết báo cáo kỹ thuật, thuyết trình, tranh biện đến làm việc nhóm. Học bổng từ nhà trường và doanh nghiệp cũng là nguồn động lực lớn. Đặc biệt, mạng lưới cựu sinh viên ngành Hóa học của Đại học Bách Khoa Hà Nội rộng khắp, tạo thành cộng đồng nghề nghiệp giàu tiềm năng kết nối và hỗ trợ sinh viên mới ra trường.
Sinh viên ngành Hóa trình bày về sản phẩm keo dán đa năng trước đại diện Doanh nghiệp.
Tâm sự người trong cuộc – minh chứng sống cho giá trị của ngành học
Thạc sĩ Vũ Thị Cúc, cựu sinh viên ngành Hóa học, hiện đang công tác tại Đại học Y tế công cộng chia sẻ rằng niềm đam mê hóa học từ thời trung học đã được nuôi dưỡng và phát triển mạnh mẽ nhờ môi trường đào tạo nghiêm túc, gắn kết giữa lý thuyết và thực hành tại SCLS - HUST. Công việc hiện tại tuy nhiều thử thách, nhưng nhờ nền tảng kiến thức vững chắc và kỹ năng được trang bị bài bản, chị đã thích nghi tốt và khẳng định được vai trò của mình.

Ngành Hóa học không hề thiếu cơ hội việc làm. Ngược lại, trong một thế giới đang gấp rút tìm kiếm những giải pháp khoa học – kỹ thuật để giải quyết các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, khủng hoảng năng lượng, y tế công cộng... thì Hóa học chính là một trong những mũi nhọn không thể thiếu.
Chị Vũ Thị Cúc, cựu sinh viên khóa 58 ngành Hóa học
Điều ngành Hóa học đang thiếu không phải là đất dụng võ, mà là niềm tin và sự lựa chọn của người trẻ. Đã đến lúc các thí sinh và phụ huynh cần có cái nhìn toàn diện, đúng đắn hơn về giá trị và tương lai của ngành học này. Đồng thời, sự vào cuộc quyết liệt từ các cơ sở đào tạo, nhà nước và doanh nghiệp trong việc nâng cao nhận thức, đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới chương trình đào tạo và chính sách hỗ trợ sinh viên chính là chìa khóa để vực dậy và phát triển bền vững ngành Hóa học – một ngành học vừa cổ điển vừa hiện đại, vừa thách thức vừa đầy hứa hẹn.

 

Tác giả: VP Trường

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây