Trường Hóa và Khoa học Sự sốnghttps://scls.hust.edu.vn/uploads/scls/logo-dhbk-1-02_130_191.png
Thứ tư - 11/12/2024 09:42
Ngày 10/12/2024 tại phòng C4-215, Đại học Bách khoa Hà Nội (HUST), đã diễn ra buổi seminar khoa học với chủ đề “Catalysis Without Borders: from Molecules to Materials” (Xúc tác không biên giới: từ phân tử đến vật liệu). Buổi thuyết trình do diễn giả TS. Esteban Mejia, Trưởng nhóm nghiên cứu Hóa học Polyme và Xúc tác tại Viện xúc tác Leibniz (LIKAT), Rostock, Đức thực hiện, thu hút đông đảo sự tham gia của các nhà khoa học, giảng viên và sinh viên.
Trong bài thuyết trình, TS. Esteban Mejia đã chia sẻ nghiên cứu mới nhất về vật liệu xúc tác phát triển từ vỏ trấu - một nguồn tài nguyên dồi dào tại Việt Nam. Các chất xúc tác mới này mang lại nhiều lợi ích vượt trội như quy trình sản xuất đơn giản, sử dụng các kim loại rẻ tiền, hiệu quả cao trong các phản ứng hydro hóa, và dễ tích hợp vào các khái niệm nhà máy lọc sinh học. Đồng thời, TS. Mejia nhấn mạnh khả năng khai thác hiệu quả giá trị thị trường của chất thải sinh học nông nghiệp, mở ra hướng đi bền vững và thân thiện môi trường.
Từ ngày 11/12 đến 13/12/2024, TS. Esteban Mejia còn tổ chức các buổi giảng dạy chuyên sâu về môn Động học Xúc tác dành cho sinh viên của trường. Các hoạt động này nằm trong khuôn khổ dự án RoHan (Rostock – Hà Nội) – một chương trình hợp tác quốc tế do Cơ quan Trao đổi Hàn lâm Đức (DAAD) và Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế Liên bang Đức (BMZ) tài trợ, hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững.
Buổi seminar có sự tham dự của nhiều đại diện uy tín. Phía Việt Nam, có sự góp mặt của PGS.TS. Nguyễn Hồng Liên – Phó Hiệu trưởng Trường Hóa và Khoa học sự sống, GS. Lê Minh Thắng – điều phối viên dự án RoHan, cùng nhiều giảng viên và sinh viên từ Khoa Hóa học và Khoa Kỹ thuật Hóa học. Về phía Đức, TS. Esteban Mejia đại diện cho Viện xúc tác Leibniz và Đại học Rostock, hai đối tác chính trong dự án RoHan.
Kể từ khi khởi động vào năm 2016, dự án RoHan đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật như:
Đào tạo 25 thạc sĩ, 10 nghiên cứu sinh và 6 thạc sĩ song bằng giữa Đại học Rostock và ĐHBKHN (trong đó có 1 thạc sỹ người Đức), trên 40 cán bộ sang trao đổi và hợp tác nghiên cứu tại Rostock. Các NCS và thạc sỹ từ các trường đại học châu Á khác (Ấn Độ, Brunei, Thái Lan, Bangladesh…) cũng có cơ hội đến làm việc tại HUST.
Công bố 61 bài báo khoa học, trong đó có hơn 30 bài trên các tạp chí quốc tế uy tín, 1 bằng sáng chế và 23 bài thuyết trình tại các hội nghị lớn.
Xây dựng Phòng thí nghiệm Xúc tác Việt Đức (GeViCat) với trang thiết bị trị giá trên 800.000 Euro, góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu và giảng dạy tại HUST.
Dù đạt nhiều thành tựu, dự án RoHan sẽ kết thúc vào tháng 12/2025, đặt ra thách thức lớn về duy trì nguồn kinh phí và hoạt động của phòng thí nghiệm GeViCat. Để tiếp tục phát triển, cần sự hỗ trợ từ ĐHBKHN, các tổ chức trong nước và quốc tế nhằm xây dựng GeViCat thành một trung tâm nghiên cứu độc lập, thu hút nhiều đối tác nghiên cứu mới.
Cả hai phía Việt Nam và Đức đều kỳ vọng dự án RoHan sẽ tiếp tục đóng vai trò cầu nối quan trọng, thúc đẩy hợp tác song phương, tạo tiền đề cho các chương trình nghiên cứu và đào tạo quốc tế, đồng thời góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành xúc tác.
Buổi seminar không chỉ mang lại kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực xúc tác mà còn khẳng định giá trị của sự hợp tác quốc tế. Những nỗ lực trong khuôn khổ dự án RoHan đã và đang thúc đẩy phát triển nghiên cứu khoa học, đào tạo nhân lực chất lượng cao, đồng thời đóng góp vào giải quyết các thách thức môi trường và kinh tế toàn cầu.