Hội thảo quốc tế lần thứ tư "Valorization of Agricultural Residues Towards Climate-Smart Agriculture in South-East Asia" (Giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp hướng tới nông nghiệp thông minh thích ứng với khí hậu tại Đông Nam Á) đã diễn ra thành công tại Đại học Bách khoa Hà Nội vào ngày 19 tháng 9 năm 2024. Đơn vị đồng tổ chức là Đại học Kỹ thuật Berlin - Đức (Technical University Berlin - TUB). Hội thảo tạo cơ hội trao đổi kinh nghiệm, kiến thức học thuật và kỹ thuật giữa các chuyên gia Việt Nam và quốc tế nhằm phát triển các phương pháp quản lý chất thải hữu cơ, nói chung, và chất thải nông nghiệp hiệu quả và bền vững, phù hợp với bối cảnh địa phương.
Nội dung Hội thảo tập trung vào ba chủ đề chính bao gồm: Tài nguyên sinh khối và năng lượng sinh học; Công nghệ bền vững; và Đánh giá tác động và quản lý môi trường.
PGS. TS. Huỳnh Đăng Chính, Phó Giám đốc ĐHBK Hà Nội, phát biểu khai mạc Hội thảo
Chất thải nông nghiệp, chủ yếu bao gồm tinh bột và ligno-xenluloza từ thực vật, cùng các thành phần giàu protein, thường bị thải ra môi trường hoặc đốt trực tiếp, gây lãng phí nguồn tài nguyên thiên nhiên và ảnh hưởng đến môi trường. Việc quản lý chất thải nông nghiệp cần được điều chỉnh theo điều kiện địa lý, khí hậu, văn hóa, và yêu cầu kỹ thuật. Áp dụng phương pháp tiếp cận nông nghiệp thông minh với khí hậu sẽ giúp các hệ thống nông nghiệp thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu, đồng thời xử lý hiệu quả chất thải. Công nghệ lọc khí sinh học chuyển đổi chất thải hữu cơ thành năng lượng và tuần hoàn lưu huỳnh là một giải pháp nổi bật, không chỉ giảm phát thải mà còn thúc đẩy sử dụng tài nguyên bền vững.
Hội thảo lần này nằm trong khuôn khổ Dự án nghiên cứu Việt-Đức S-IRCLE (Công nghệ khí sinh học tuần hoàn - Hệ thống lọc thông minh để loại bỏ H₂S và tái chế lưu huỳnh). Dự án nhằm phát triển hệ thống lọc tự động để loại bỏ H₂S trong các nhà máy khí sinh học quy mô nhỏ và tái chế lưu huỳnh từ vật liệu lọc làm phân bón. Đồng thời, dự án cũng phân tích tác động môi trường của bộ lọc khí sinh học mới so với các phương pháp hiện có.
PGS. TS. Huỳnh Đăng Chính và GS. TSKH. Nguyễn Xuân Thính, Đại học Kỹ thuật Dortmund
Hội thảo có sự tham dự của nhiều chuyên gia công nghệ, nhà khoa học và nghiên cứu sinh đến từ Đại học Kỹ thuật Berlin (TU Berlin), Đại học Kỹ thuật Dortmund (TU Dormund), Công ty Công nghệ Herbst Umwelttechnik (Đức); Đại học Hiroshima (Nhật Bản), Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Đà Nẵng, Đại học Thái Nguyên, Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, Công ty Egreen JSC. (Việt Nam).
Mở đầu Hội thảo, PGS. TS. Huỳnh Đăng Chính nhấn mạnh vai trò quan trọng của ngành nông nghiệp trong tăng trưởng kinh tế Việt Nam, chiếm 12% GDP năm 2022. PGS. Chính cũng đề cập đến mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực nông nghiệp và khẳng định việc tận dụng phụ phẩm nông nghiệp là giải pháp triển vọng, tuy còn nhiều thách thức về công nghệ và kinh tế. Đại học Bách khoa Hà Nội, với đội ngũ giảng viên hàng đầu, đã đóng góp lớn vào chính sách khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Chính phủ. Năm 2022, trường được nâng cấp thành đại học nghiên cứu đa ngành. Trường Hóa học và Khoa học sự sống mới thành lập đang tập trung vào các lĩnh vực như công nghệ thực phẩm, công nghệ sinh học, và phát triển bền vững. Bài phát biểu của ông khép lại bằng lời cảm ơn các đối tác đồng tổ chức và các bên liên quan đã góp phần vào thành công của Hội thảo.
PGS. TS. Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Phó Hiệu trưởng trường Hóa và Khoa học sự sống, chủ trì phiên toàn thể
PGS. TS. Nguyễn Thị Ánh Tuyết tiếp nối với bài phát biểu gửi lời cảm ơn đến các nhà khoa học, chuyên gia và cán bộ tham gia Hội thảo. Chủ trì phiên toàn thể, PGS. Tuyết nhấn mạnh sự quan trọng của các phản hồi và thảo luận trong việc hoàn thiện các kết quả nghiên cứu của dự án S-IRCLE, khi dự án chuẩn bị kết thúc vào cuối năm nay.
GS. Vera Susanne Rotter - Khoa Kỹ thuật môi trường - TU Berlin (tham dự online) và Bà Hoàng Thị Quỳnh Trang - Điều phối viên dự án S-IRCLE - TU Berlin
Hội thảo còn bao gồm các bài thuyết trình trực tuyến của GS. Vera Susanne Rotter, ông Marcel Spahr và các chuyên gia, như bà Hoàng Trang với nghiên cứu về xử lý H₂S trong các nhà máy khí sinh học và sử dụng vật liệu sau lọc ứng dụng làm phân bón cho cây trồng. Phần trình bày của bà nhận được nhiều câu hỏi trao đổi và thảo luận từ PGS. La Thế Vinh cũng như sự quan tâm từ người dự.
Hội thảo tiếp tục với nhiều bài trình bày từ các chuyên gia, nhà khoa học trong các lĩnh vực liên quan, mang lại những kiến thức và giải pháp thiết thực. Hội thảo diễn ra sôi nổi và thành công với nhiều ý kiến đóng góp hữu ích.
Chúng ta hãy cùng nhau đi qua Hội thảo bằng các hình ảnh sống động sau đây:
GS. Nguyễn Xuân Thính trình bày nghiên cứu "Digital twins and AI methods for climate change adaption and climate - smart agriculture"
Cô Liwah - Wong trình bày nghiên cứu "Urban-rurall material cycles: Material flow analysis and stakeholder analysis of circular agricultural economy and future implementation"
TS. Dương Mạnh Cường từ Đại học Thái Nguyên trình bày nghiên cứu về "Effects of biochair in production of biogas and mitigation of corrosive gases in batch and continuous anaerobic digestion"
TS. Phạm Kim Cương trình bày nghiên cứu " Overview of livestock waste in Vietnam and treatment technologies"
TS. Nguyễn Thủy Chung thuộc trường Hóa và Khoa học sự sống - ĐHBKHN với phần trình bày về " Synthesis of modified biochar from coconut fiber for effective heavy metals removal in contaminated water"
Cô Nguyễn Thị Hải Anh từ Đại học Hiroshima trình bày về "Surface reconstruction enabling C3N4 Nano-sheet/SnS2 heterostructure for ultra-fast visible light photodegradation of Acetonminphene"
TS. Võ Thị Lệ Hà từ ĐHBK HN trình bày về " Study on determining the greenhouse gas emissions from the pig farming waste management system in Thai Binh - case study in Thai Thuy and Vu Thu districts"
TS. Đặng Đức Long - ĐH Đà Nẵng trình bày về "Circular Economy Approaches to Rice Straw Management in Vietnam: Biochar Production and Application for Sustainable Agriculture"
Bà Hoàng Thị Hồng Vân trình bày bài "Evaluation of the potential for refuse-derived recovery from landfill mining"
PGS. Nguyễn Thị Ánh Tuyết trao quà lưu niệm và gửi lời cảm ơn tới các đối tác đồng tổ chức Hội thảo.
Tác giả: Trường Hóa và Khoa học sự sống
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn