Những con số ấn tượng tại Hội nghị Sinh viên nghiên cứu khoa học 2022-2023

Thứ bảy - 27/05/2023 10:00
447 đề tài đăng ký, 1113 sinh viên tham dự và 100 sản phẩm tham gia triển lãm (tất cả đều tăng 20% so với năm trước) là những con số ấn tượng của Hội nghị lần thứ 40 năm nay.
Những con số ấn tượng tại Hội nghị Sinh viên nghiên cứu khoa học 2022-2023
Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học là một hoạt động thường niên mang những nét đặc trưng riêng của Đại học Bách khoa Hà Nội. Tại Hội nghị, các sinh viên được trình bày các kết quả nghiên cứu của mình dưới nhiều hình thức: thuyết trình, poster, trưng bày sản phẩm... 

Hội nghị năm nay diễn ra từ 24-26/05, gồm 23 phân ban với gần 450 đề tài và hơn 1100 sinh viên tham dự. Sau khi các nhóm thuyết trình, trả lời phản biện, Hội đồng phân ban sẽ trao đổi để trao tặng giải thưởng cho các ý tưởng xuất sắc. Những sản phẩm thú vị và chất lượng nhất sẽ được chọn để tham dự triển lãm Ngày hội Sáng tạo Khoa học diễn ra vào ngày 8-9/6 tại Hội trường C2.
 
349373296 234435489310295 5110665273397073588 n
Sinh viên Bách khoa Hà Nội chăm chú trao đổi về đề tài nghiên cứu trong Hội nghị Sinh viên Nghiên cứu Khoa học lần thứ 40

Sau 40 năm, một điều không đổi chính là niềm hào hứng của sinh viên khi giải quyết các nút thắt kỹ thuật

“Có những ngày, chúng tôi ra khỏi nhà lúc 6h30 sáng, dành 12 tiếng trong phòng lab và về đến nhà khi trời đã chập tối”, Trần Thị Minh Trang, sinh viên K64 Chương trình tài năng Hóa dược, chia sẻ về những ngày tháng chuẩn bị cho Hội nghị cùng cô bạn cùng lớp Lê Thu Thảo. Hai nữ sinh xinh xắn, thành viên Phòng thí nghiệm Hợp chất thiên nhiên của PGS. Trần Thị Minh, đạt được giải Ba trong phân ban Hóa hữu cơ với đề tài “Nghiên cứu phân lập và xác định cấu trúc của các ecdisteroid từ cây Ráng đại ở Việt Nam.”

Thu Thảo giải thích, Ráng đại, thuộc chi dương xỉ, là một loài cây rất phổ biến ở các tỉnh ven biển Việt Nam. Mặc dù có trữ lượng lớn nhưng không có nhiều công trình nghiên cứu ở Việt Nam về loài cây này. 
 
349136837 183539300970281 9172083558084344966 n
Lê Thu Thảo đang đại diện cho nhóm nghiên cứu gồm 5 thành viên Trường Hóa và Khoa học sự sống thuyết trình trong Hội nghị

Chủ đề của nhóm 5 thành viên từ Trường Hóa và Khoa học sự sống là một đề tài nghiên cứu cơ bản với mục đích tách chiết, phân lập hợp chất ecdisteroid từ cây Ráng đại. Ecdisteroid là hợp chất khá hiếm nhưng có nhiều hoạt tính sinh học tiềm năng, có thể sử dụng trong quá trình ức chế chất xúc tác gây kích phát Alzheimer (Hội chứng suy giảm trí nhớ), chế tạo thuốc trừ sâu công nghiệp hay thực phẩm chức năng,...

“Nghiên cứu khoa học như ‘trường kỳ kháng chiến’”, Minh Trang cười kể lại, “những khi nản, sự định hướng của giáo viên hướng dẫn và khích lệ của các bạn cùng lab rất quan trọng”. Vượt qua những khó khăn đó, thành viên trong nhóm không chỉ thành công chiết được 1 hợp chất tinh khiết, mà còn tìm thêm được 1 hợp chất ecdisteroid mới lần đầu tiên được phân lập trên thế giới từ cây Ráng đại.

Theo hai nữ sinh, nghiên cứu khoa học giúp bổ sung kiến thức thực nghiệm từ bài giảng trên lớp và giúp định hình phong cách làm việc nghiêm túc, cẩn thận, tỉ mỉ của một nhà khoa học. Đây là những bước đi đầu tiên trên con đường chinh phục khoa học kỹ thuật của hai nhà nghiên cứu trẻ.

Là một đại học có thế mạnh về nghiên cứu, các đề tài trong Hội nghị bao gồm cả các nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng để giải quyết các bài toán thực tế của đời sống. Xu hướng nghiên cứu liên ngành ngày càng rõ rệt, khi nhiều sinh viên tham dự đăng ký các đề tài sử dụng kiến thức kỹ năng một ngành để giải quyết các bài toán của ngành khác.

“Nghiên cứu tổng hợp vật liệu cấu trúc liên thông từ Polycaprolacton – Cacbonate Apatite bằng phương pháp in 3D cho ứng dụng cấy ghép xương” được trình bày trong phân ban Khoa học và Kỹ thuật Vật liệu là một minh chứng cho nghiên cứu liên ngành. Nhóm gồm 3 sinh viên trường Vật liệu nghiên cứu tổng hợp vật liệu compozit (vật liệu tổng hợp) ứng dụng trong y sinh. 
 
348980811 786383496232907 3747634366517447750 n
Ba sinh viên Trường Vật Liệu đang thuyết trình trong Hội nghị

Theo sinh viên Nguyễn Văn Hà, Cacbonate Apatite, một vật liệu mới, có ưu điểm so với vật liệu phổ biến khác được sử dụng trong cấy ghép xương hiện nay, đó là tính tương thích sinh học và thời gian tiêu hủy sinh học nhanh (3-6 tháng), giúp thúc đẩy quá trình liền lại của vết thương. 

Điểm đặc biệt của đề tài nằm ở phương pháp in 3D, một phương pháp đang dần phổ biến trong những năm trở lại đây. Ưu điểm của in 3D so với 2 phương pháp tổng hợp truyền thống là khả năng tạo mẫu nhanh đồng thời dễ dàng “in” được những cấu trúc xương nhân tạo phức tạp, với các chi tiết nhỏ, nhờ chương trình phần mềm mô phỏng vết thương. Phương pháp này không sử dụng nhiệt nên không ảnh hưởng đến cấu trúc và tính chất vật liệu y sinh như các phương pháp truyền thống. 

Bên cạnh đó, in 3D có khả năng tạo được các lỗ xốp nhỏ trên mẫu xương nhân tạo với kích thước tùy ý, độ bền cao và tính liên thông. Các lỗ xốp liên thông sẽ giúp tế bào và máu di chuyển tự do trong vật liệu, dễ dàng bám vào các ngóc ngách của xương nhân tạo và qua đó thúc đẩy quá trình tự tái tạo, phục hồi của vết thương.

Một thành tựu “không ngờ tới” sau khi tham gia nghiên cứu khoa học đó là kỹ năng ngoại ngữ của các thành viên đều tiến bộ vì quá trình nghiên cứu đòi hỏi nhiều thời gian đọc các bài báo khoa học bằng tiếng Anh. “Lúc đầu tôi cũng không hứng thú với nghiên cứu khoa học. Nhưng khi thực sự tìm hiểu, tôi dần thấy hào hứng và đam mê. Tôi hi vọng có thể tiếp tục nghiên cứu nhiều đề tài thú vị và ý nghĩa”, Hà thành thật chia sẻ.

Còn Mai Phương, cô sinh viên năng động của ngành Vật liệu chia sẻ bản thân sẽ tiếp tục học tập và nghiên cứu với tham vọng trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực vật liệu y sinh.

Hai điểm mới trong Hội nghị: “Tự chủ” và “Chuyển đổi số”
Đáp máy bay xuống Hà Nội từ Israel vào đêm hôm trước, chuyên gia Nguyễn Trí Hiển, CEO Công ty Cổ phần Công nghệ giáo dục Thiên hà xanh, đã có mặt tại Bách khoa Hà Nội từ 7h30 sáng hôm sau để kịp lắng nghe phần thuyết trình của sinh viên Bách khoa trong phân ban Khoa học và Công nghệ giáo dục. Đại diện doanh nghiệp cảm thấy ấn tượng với tác phong chuyên nghiệp và những đề tài vừa mang tính lý luận, vừa mang tính thực tiễn của người học.
 
349171780 24015602444705476 5728878867359111672 n
SInh viên Bách khoa Hà Nội chủ động và tự tin giới thiệu về đề tài nghiên cứu trong Hội nghị

Những doanh nghiệp được mời tham dự Hội nghị đều đã và đang có những hợp tác thân thiết với các trường, viện. “Mục đích của chúng tôi khi mời doanh nghiệp tham dự các buổi chuẩn bị cho Hội nghị cũng như buổi báo cáo chính là giới thiệu kết quả nghiên cứu của Viện và tạo cơ hội để các doanh nghiệp truyền lửa cho các sinh viên trong lĩnh vực công nghệ giáo dục”, PGS. Lê Hiếu Học, Viện trưởng Viện Sư phạm Kỹ thuật cho biết. Năm nay, số lượng đề tài báo cáo có sự tham gia của sinh viên lĩnh vực công nghệ giáo dục tăng gấp đôi so với năm ngoái.

Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị Sinh viên Nghiên cứu Khoa học ngay trong Ngày hội thực tập doanh nghiệp với nhiều hoạt động sáng tạo, kết nối doanh nghiệp. Hội nghị Sinh viên Nghiên cứu Khoa học của Trường mở cửa cho các đại diện doanh nghiệp và sinh viên quan tâm tham gia Ngày hội lắng nghe và trực tiếp trao đổi, đặt câu hỏi cho các bài báo cáo tại Hội nghị.
 
349220730 3231737910463496 2580258968028223096 n
Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị Sinh viên Nghiên cứu Khoa học trong Ngày hội thực tập doanh nghiệp - SOICT Innovation Day

PGS. Nguyễn Thị Hồng Minh, Phó trưởng phòng Quản lý nghiên cứu, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết tăng cường sự tự chủ của các đơn vị thuộc Đại học đã tạo ra hướng đi mới gia tăng sự hấp dẫn cho các định hướng nghiên cứu và khuyến khích phong trào sinh viên nghiên cứu. “Sự tham gia của doanh nghiệp và đối tác bên ngoài phản ánh sự quan tâm của xã hội với nghiên cứu và giáo dục”, PGS. Minh khẳng định.

Nằm trong chiến lược Chuyển đổi số của Đại học Bách khoa Hà Nội, toàn bộ quy trình của Hội nghị Sinh viên Nghiên cứu Khoa học lần thứ 40 được số hóa, nâng cấp và lưu trữ trên hệ thống quản lý chung của Nhà trường, thuận tiện trong công tác quảng bá, thống kê, tổng hợp dữ liệu, lưu trữ và quản lý. 

Với quy trình này, sự chủ động nằm trong tay sinh viên. Người học sẽ là người chủ động đăng ký trên hệ thống, trước khi có sự rà soát từ các cấp giáo viên hướng dẫn, cấp khoa/bộ môn, cấp trường/viện. Với sự thuận tiện trong quy trình đăng ký, có gần 450 đề tài đã nộp trên hệ thống, với hơn 1100 sinh viên tham gia Hội nghị. Số đề tài báo cáo trình chiếu, số video dự thi cuộc thi truyền thông bên lề và số sản phẩm đăng ký tham dự triển lãm đều tăng đáng kể so với các năm trước.

“Công việc tiếp theo của chúng tôi sẽ là đảm bảo các đề tài, sản phẩm có chất lượng tốt qua quá trình rà soát và kiểm duyệt chặt chẽ ở quản lý và chuyên môn”, Phó phòng Quản lý nghiên cứu chia sẻ. 
 
Số lượt đề tài đăng ký tham dự: 447
Số sinh viên thuộc đề tài tham dự: 1113
Số công bố khoa học từ các đề tài tham dự: 65
Số Video dự Cuộc thi video thực tế BK-V.ideas: 50
Số sản phẩm đăng ký tham dự triển lãm Ngày hội sáng tạo khoa học: 100
 

Tác giả: admin

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây