Phát biểu khai mạc, PGS.TS. Chu Kỳ Sơn – Hiệu trưởng Trường Hóa và Khoa học Sự sống gửi lời cảm ơn sâu sắc tới các doanh nghiệp, cựu sinh viên và lãnh đạo Nhà trường đã luôn đồng hành, hỗ trợ trong suốt quá trình xây dựng và phát triển. Hiệu trưởng khẳng định: “Hợp tác với doanh nghiệp và cựu sinh viên là yếu tố then chốt giúp Nhà trường phát triển mạnh mẽ trong thời đại chuyển đổi số và hội nhập toàn cầu.”
Hội nghị còn là dịp để đại diện doanh nghiệp và cựu sinh viên trao đổi, chia sẻ thẳng thắn về nhu cầu tuyển dụng, kỳ vọng đối với nguồn nhân lực ngành Hóa học, đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cường tính thực tiễn trong chương trình học.
Ông Tạ Đình Thi, cựu sinh viên khóa 35, Khoa Khoa học Công nghệ & Môi trường, phát biểu:"Quyết tâm chính trị của chúng ta rất lớn để làm sao đưa đất nước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình. Tôi rất phấn khởi khi chứng kiến sự ký kết giữa Nhà trường với các doanh nghiệp – một việc rất hay, sáng tạo, thể hiện sự gắn bó, hợp tác chặt chẽ. Các chính sách hiện nay cũng đã tạo điều kiện để cán bộ, giảng viên tham gia vào các doanh nghiệp, liên doanh, liên kết… Tuy nhiên, điều quan trọng là không chỉ ký kết mà cần triển khai thực chất. Ví dụ, các nghiên cứu của Nhà trường phải gắn với nhu cầu của doanh nghiệp và ngược lại, để sinh viên ra trường có thể làm việc ngay."
Bà Trương Thị Thu Hà, đại diện Công ty Cổ phần Lọc dầu Bình Sơn, cựu sinh viên K40 ngành Hóa dầu, cho biết:
"Trước đây, sinh viên được tuyển dụng vào phải gửi sang nước ngoài đào tạo mới có thể vận hành thiết bị trong nhà máy. Thời gian tới, Công ty có nhu cầu tuyển dụng lượng lớn sinh viên ngành Hữu cơ – Hóa dầu, Môi trường và Hóa học mà SCLS đang đào tạo, nhằm xây dựng đội ngũ nhân lực dự phòng và nâng cấp đội ngũ kỹ sư hiện có lên vị trí chuyên gia. Chúng tôi mong muốn có thêm nhiều chương trình liên kết với Nhà trường, và hướng tới đầu tư vào các phòng thí nghiệm phục vụ đào tạo."
Ông Nguyễn Phú Cường, Nguyên Bí thư Đảng Ủy, Nguyên CTHĐTV Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, chia sẻ:
"Việc đưa sinh viên đến thực tập tại các nhà máy như Đạm Ninh Bình, Hóa chất Lâm Thao là cách rất tốt để các em trải nghiệm thực tế. Tuy nhiên, để duy trì và phát triển, cần sự phối hợp từ hai phía. Đồng thời, Nhà trường nên vận động các học bổng để đa dạng hóa nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu bối cảnh mới – khi mà các lĩnh vực khác như vật liệu, tự động hóa… cũng cần kết hợp chặt chẽ với ngành hóa."Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp bày tỏ mong muốn tiếp cận các đề tài nghiên cứu, hỗ trợ đầu tư trang thiết bị, hóa chất thực hành nhằm nâng cao năng lực cho sinh viên. Ông Trần Bình Ân, đại diện Công ty Cổ phần Công nghệ Vật liệu METATECH, nhận định:
"Sinh viên kỹ thuật hiện nay tốt nghiệp nhưng trình độ ngoại ngữ còn hạn chế. Tôi đề xuất Nhà trường nâng chuẩn đầu ra ngoại ngữ cho các kỹ sư chuyên sâu, để đáp ứng yêu cầu hội nhập và làm việc với các đối tác quốc tế."Ông Phạm Trung Kiên, cựu sinh viên K32 ngành Kỹ thuật Thực phẩm, Phó Tổng Giám đốc Công ty Habeco, nhấn mạnh:
"Nên tạo điều kiện để các chuyên gia quốc tế của doanh nghiệp phối hợp với Nhà trường trong các hoạt động đào tạo, nghiên cứu nhằm cập nhật công nghệ và thực tiễn sản xuất."
Ông Nguyễn Hoàng Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Môi trường xây dựng ACE chia sẻ kỳ vọng:
"Chúng tôi sẵn sàng đặt hàng nguồn nhân lực với yêu cầu cụ thể và hỗ trợ chi phí đào tạo để sinh viên sau tốt nghiệp có thể làm việc ngay, tiết kiệm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp. Sinh viên cần được tiếp cận công việc thực tế ngay trong quá trình học, tránh những ảo tưởng nghề nghiệp."
Bà Nguyễn Thanh Tú, Trưởng Phòng Nhân sự công ty Vietchem đề xuất:
"Rất mong Nhà trường tạo điều kiện cho sinh viên đến thực tập, trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp, đặc biệt là các hoạt động cuối tuần như học an toàn lao động, làm việc trong phòng thí nghiệm. Điều này giúp sinh viên có góc nhìn thực tế và tăng khả năng tiếp cận nghề nghiệp sau này."
Hội nghị Kết nối “Nhà trường – Doanh nghiệp – Cựu sinh viên” của Trường Hóa và Khoa học Sự sống đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác thiết thực giữa Nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo và phát triển nguồn nhân lực các ngành khoa học sự sống. Sự đồng hành của các doanh nghiệp trong việc định hướng chương trình đào tạo, đầu tư trang thiết bị, hỗ trợ thực tập và tuyển dụng sinh viên sẽ góp phần quan trọng giúp Trường Hóa và Khoa học Sự sống, Đại học Bách khoa Hà Nội tiếp tục khẳng định vị thế tiên phong trong đào tạo kỹ sư thực hành chất lượng cao.
Nhà trường cam kết tiếp tục tăng cường kết nối, tạo cơ hội cho sinh viên học tập, thực tập thực tế tại doanh nghiệp, đồng thời điều chỉnh chương trình đào tạo sát với nhu cầu thực tiễn, góp phần đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển của ngành hóa chất và các lĩnh vực liên quan trong thời kỳ hội nhập.
Thông qua những biên bản hợp tác được ký kết, một bức tranh hợp tác toàn diện và hiệu quả giữa Nhà trường và doanh nghiệp đã được vẽ nên, tạo nền tảng vững chắc để Trường Hóa và Khoa học Sự sống thực hiện tốt sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao tri thức trong thời kỳ mới.
Tác giả: VP Trường
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn