Hành trình của người lính Bách khoa: Từ chiến trường đến giảng đường

Thứ ba - 29/04/2025 16:03
Một lần thăm chiến trường xưa, GS. Nguyễn Văn Cách - Trường Hóa và Khoa học sự sống, ĐHBK Hà Nội rất xúc động khi chợt thấy một cựu chiến binh say ngủ dưới tán cây khi đang ăn dở cây kẹo mút. “Nhìn hình ảnh này, tôi lại nhớ tháng ngày chiến đấu năm xưa, có lúc ăn, dù đang ngậm miếng lương khô cắn dở, song mệt quá dựa vào cây mà vẫn chợp mắt ngủ ngon lành”! - Người lính Bách khoa Nguyễn Văn Cách nhớ lại.Ký ức những ngày tháng chiến trường, trực tiếp tham gia giải phóng Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, góp phần vào chiến công giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vẫn hằn sâu trong tâm trí của GS. Nguyễn Văn Cách.
Năm tháng tự hào

Năm 1973, GS. Nguyễn Văn Cách nhận được thông báo trúng tuyển Đại học Bách khoa Hà Nội. Thời điểm đó, các địa phương đang tích cực huy động quân, dồn sức cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, nên thầy đành xếp lại thủ tục nhập học, để chờ lệnh nhập ngũ tại quê nhà Thái Bình. Tháng 2/1974, thầy Cách được gọi tập trung vào đơn vị quân dự bị; Sau đó 2 tháng được biên chế huấn luyện bộ binh tại Trung đoàn 51 Thái Bình…

Tháng 8/1974, đơn vị thầy Cách đi vào chiến trường, thầy được biên chế vào Trung đoàn pháo binh 572 - Quân khu V, Tây Nguyên. Ngay mùa mưa năm 1974, thầy Cách cùng đồng đội đập đá san đường xuyên rừng, vượt suối để mở đường cho xe kéo pháo đi chuẩn bị cho các chiến dịch sắp tới.

Đón xuân năm 1975, đơn vị thầy Cách được khao Tết sớm với thịt hộp nấu canh rau sắn, rồi được lệnh chuẩn bị khí tài cho trận chiến đấu sắp tới. “Lúc đó, tôi không để ý ngày tháng. Cứ theo lệnh chỉ huy, với câu lệnh “đi chiến dịch” là chúng tôi mang khí tài lên đường hành quân”. GS. Nguyễn Văn Cách hồi nhớ.

Từ trong rừng Trường Sơn, khi đó khoảng 22 - 23/3/1975, mũi tiến công của đơn vị GS. Nguyễn Văn Cách đưa pháo 130 ly vượt rừng, qua dốc Bình Minh đánh xuống đồng bằng, rồi triển khai nã pháo tấn công cụm hỏa lực địch tại Sơn Tịnh và Bình Sơn. Địch đang hoảng loạn vì bị thất thủ tại Buôn Ma Thuột, lại nhận được tin “xe tăng và pháo hạng nặng của cộng sản đã vượt dốc Bình Minh rồi”, cùng với tiếng nổ vang trời của pháo 130 ly yểm trợ cho các đơn vị bộ binh tiến công thọc sâu chia cắt địch…, thế là địch thua trận tháo chạy. Sơn Tịnh, Bình Sơn, Quảng Ngãi, Chu Lai... được giải phóng.

Theo lệnh “Thần tốc, thần tốc hơn nữa; Táo bạo, táo bạo hơn nữa…” hỏa lực pháo binh của Trung đoàn pháo binh 572 cùng với các đơn vị chiến đấu khác hình thành mũi tiến công đánh địch giải phóng Đà Nẵng từ phía Nam ra. Do địch đã ném bom đánh sập cầu Bà Rén, chiều 28/3/1975 pháo hạng nặng của E-572 từ bên bờ Nam cầu đã trút lửa vào sân bay Đà Nẵng. “29 quả đạn pháo 130 ly của chúng tôi, tiếng nổ vang dội, góp lửa hỏa lực làm quân địch kinh hãi rồi vỡ trận tháo chạy!” - GS. Nguyễn Văn Cách tự hào kể lại.

GS. Nguyễn Văn Cách trong trang phục quân nhân

Suy nghĩ đầu tiên khi nghe tin giải phóng miền Nam

Sau ngày Đã Nẵng được giải phóng, Trung đoàn pháo binh của GS. Cách nhận nhiệm vụ cơ động về tuyến 2, để chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu nếu Mỹ quay lại tham chiến. Rồi trưa ngày 30/4/1975, khi đang cùng đồng đội trồng vụ sắn mới, đài phát thanh đưa tin giải phóng miền Nam. Các chiến sĩ ôm nhau hò reo vang cả góc rừng. Giữa hân hoan niềm vui, suy nghĩ đầu tiên của thầy Cách là: “Được trở về học Bách khoa rồi!”
Tháng 4/1978, thầy Cách được ra quân, trở về nộp hồ sơ nhập học vào Đại học Bách khoa Hà Nội. Tháng 9 cùng năm, thầy chính thức bắt đầu hành trình học tập tại Trường. Trong thời gian sinh viên, GS. Nguyễn Văn Cách luôn tự nhủ phải cố gắng theo kịp các bạn trẻ. Thời gian rèn luyện trong quân đội đã cho thầy tinh thần không lùi bước và quyết tâm rất cao - làm đến đâu dứt điểm đến đấy! 5 năm học ở Bách khoa, sinh viên Nguyễn Văn Cách luôn đạt danh hiệu Sinh viên xuất sắc. Thời điểm ra trường, tân kỹ sư Nguyễn Văn Cách được chọn làm chuyển tiếp sinh, làm NCS tại Đức. “Tốt nghiệp trở về Trường, tôi cứ quanh quẩn ở Bách khoa đến khi về hưu. Tôi cứ nói đùa mình là sinh viên ra trường muộn!” - GS. Nguyễn Văn Cách hóm hỉnh nói.

Là hội viên Hội Cựu chiến binh Đại học Bách khoa Hà Nội, GS. Nguyễn Văn Cách tự hào khẳng định tố chất người lính vẫn còn sâu đậm trong các thầy cô giáo cựu chiến binh Bách khoa: Đặt mục tiêu là quyết tâm làm và cố làm cho tốt, không chỉ hô hào suông, không bỏ cuộc giữa chừng.

 
GS. Nguyễn Văn Cách trong buổi giao lưu với Cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn tên lửa 238 tại Hải Phòng (2019)

Niềm tin vào thế hệ trẻ

Kinh qua cuộc chiến, GS. Nguyễn Văn Cách tự nhận mình là những người may mắn vì còn sống trở về. “Chúng tôi thuộc đơn vị hỏa lực, tầm bắn xa nhất có thể lên tới 34km, bắn từ xa nên chúng tôi may mắn hơn rất nhiều so với các đơn vị bộ binh, song chiến tranh luôn gắn liền với gian khổ, khốc liệt và không thể tránh được mất mát hy sinh. Rất, rất nhiều sinh viên và cán bộ Bách khoa, cùng rất nhiều thanh niên Việt Nam đã dâng hiến cả đời mình cho đất nước.” - người lính Bách khoa mắt hoe đỏ xúc động chia sẻ.
Nói về ký ức đời lính chiến trường, ý nghĩ thường trực trong tâm trí của GS. Cách và đồng đội không phải là nỗi sợ gian khổ hay hy sinh, mà lại là những trận sốt rét rừng bào mòn sức lực trai trẻ và cái đói đeo đẳng suốt ngày. GS. Nguyễn Văn Cách kể vui: Tiếng nổ đầu nòng của pháo 130 ly nghe chát chúa lắm, song có lẽ vì sốt rét và đói nên cả khẩu đội chúng tôi hợp nhau lại mới kéo được sợi dây thừng buộc vào cò pháo để bắn. Ấy vậy mà hóa may vì nhờ dùng dây thừng mới đứng xa hơn, nên anh em chúng tôi ít người bị thủng màng nhĩ vì tiếng nổ của đạn pháo hơn. Cái đói và những trận ốm là thường xuyên như cơm bữa với lính rừng, nhưng chỉ cần nhận lệnh chiến đấu là tất cả lại quên hết mệt mỏi, ai vào vị trí nấy, biết trước nguy hiểm vẫn không ngại xông pha và nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Hàng ngày lên lớp, tiếp xúc nhiều với các bạn trẻ, GS. Nguyễn Văn Cách luôn giữ vững niềm tin vào thế hệ sau, đặc biệt là thế hệ sinh viên Bách khoa Hà Nội. Theo thầy, dù may mắn hơn cha anh khi sống trong hòa bình và ổn định, nhưng thế hệ sinh viên đang đảm nhiệm trọng trách rất to lớn của mình, đó là nỗ lực học tập, tu dưỡng để bộc lộ năng lực và khát vọng của bản thân, cống hiến cho đất nước phát triển và hội nhập. Đương nhiên, khi vận mệnh đất nước lâm nguy, chắc chắn họ sẽ sẵn sàng thể hiện lòng yêu nước và trách nhiệm của mình như những thế hệ đi trước. “Nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc là thiêng liêng, luôn tồn tại trong trái tim người Việt Nam. Tiếng nói tự do, độc lập của dân tộc luôn vang vọng, vượt mọi thử thách” – Người lính Bách khoa gần tuổi thất thập, bằng tuổi với Đại học Bách khoa Hà Nội - bày tỏ trong niềm tự hào nhân kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025).

Hành trình của GS. Nguyễn Văn Cách từ chiến trường đến giảng đường, từ người lính đến nhà giáo, nhà khoa học Bách khoa là minh chứng sống động về ý chí, lòng yêu nước, và sự trưởng thành qua gian khổ của người lính Bách khoa. Những ký ức chiến tranh, những bài học về lòng dũng cảm, trách nhiệm và niềm tự hào dân tộc của thế hệ đi trước sẽ mãi là hành trang quý giá để thế hệ trẻ Bách khoa hôm nay tiếp tục bước tới phía trước trong hành trình dựng xây đất nước ngày càng phồn vinh.
 
GS. Nguyễn Văn Cách (thứ hai từ phải sang) cùng các đồng đội Trung đoàn Pháo binh 572 về thăm chiến trường xưa tại Quảng Trị (3/2025)
Gia Hân

 

Tác giả: VP Trường

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây