01. ĐỊNH NGHĨA
Bệnh nhiễm độc carbon monoxide nghề nghiệp là bệnh nghề nghiệp do tiếp xúc với khí carbon monoxide (CO) trong quá trình lao động.
Carbon monoxide là một chất khí không màu, không mùi, không vị, rất bền với nhiệt (mặc dù có thể cháy được trong khí oxygen) và rất độc. Theo tiêu chuẩn NFPA 704, carbon monoxide được xếp vào nhóm các chất gây tổn thương cấp tính nghiêm trọng khi tiếp xúc trong một thời gian ngắn. Hơn nữa, nó có thể trộn lẫn với các chất khí khác trong không khí nên con người có thể dễ dàng hít phát. Khi hít phải khí CO, chất này sẽ tác dụng mạnh với hemoglobin trong máu làm ức chế khả năng tiếp nhận oxygen của hemoglobin và do đó con người sẽ bị ngạt thở và có thể tử vong nhanh chóng.
Hình 1. Mô hình phân tử khí CO (Đen: C; Đỏ: O).
Carbon monoxide thường xuất hiện ở các phản ứng cháy không hoàn toàn các vật liệu có chứa carbon như than đá, xăng, dầu mỏ, khí thiên nhiên, gỗ,... Lò luyện than, lò ren, lò cao là những nơi dễ sinh ra khí CO, tuy vậy những nơi sản xuất động cơ trong là một trong những nguồn phơi nhiễm bệnh nhiễm độc carbon monoxide nghề nghiệp phổ biến nhất.
Hình 2. Một hầm mỏ. Đây là nơi dễ xuất hiện khí CO, ảnh hưởng đến sức khoẻ và tính mạng của người lao động.
02. NHỮNG NGHỀ NGHIỆP DỄ TIẾP XÚC VỚI KHÍ CARBON MONOXIDE
Một số nghề nghiệp, công việc dễ tiếp xúc với khí carbon monoxide như:
∙ Thợ hàn, luyện kim, đúc kim loại, đốt lò
∙ Thợ sửa gara, sử dụng động cơ máy nổ chạy bằng xăng, dầu, than, củi,...
∙ Thợ mỏ, công nhân làm việc trong đường hầm.
∙ Những nghề nghiệp liên quan đến công nghiệp dầu khí.
∙ Lính cứu hoả.
∙ Các nghề, công việc khác có thể tiếp xúc với khí CO.
Hình 3. Lính cứu hoả. Đây là một trong những công việc dễ tiếp xúc với khí CO.
03. GIỚI HẠN TỐI THIỂU XÁC ĐỊNH NHIỄM ĐỘC KHÍ CARBON MONOXIDE
Theo Bộ Y tế, giới hạn tối thiểu xác định nhiễm độc khí carbon monoxide trong các trường hợp:
a) Nhiễm độc cấp tính
Giới hạn tiếp xúc tối thiểu được xác định bằng một trong các tiêu chí sau:
∙ Có mặt CO trong môi trường lao động hoặc nồng độ CO vượt quá giá trị giới hạn tiếp xúc cho phép theo quy chuẩn vệ sinh lao động.
∙ Biên bản xác nhận có tiếp xúc với yếu tố có hại gây bệnh nghề nghiệp cấp tính theo quy định hiện hành.
∙ Nồng độ HbCO (hemoglobin liên kết với CO) trong máu đạt mức từ 10,00%.
b) Nhiễm độc mạn tính
Giới hạn tiếp xúc tối thiểu được xác định bằng 02 tiêu chí sau:
∙ Tiếp xúc với CO hoặc có mặt CO trong môi trường lao động hoặc nồng độ CO trong môi trường lao động vượt quá giá trị giới hạn tiếp xúc cho phép trong ca làm việc theo quy chuẩn vệ sinh lao động.
∙ Nồng độ HbCO trong máu đạt mức từ 3,50%.
04. THỜI GIAN TIẾP XÚC TỐI THIỂU VÀ THỜI GIAN BẢO ĐẢM
Thời gian tiếp xúc tối thiểu |
Thời gian bảo đảm |
|
Nhiễm độc cấp tính |
02 phút |
24 giờ |
Nhiễm độc mạn tính |
Không quy định |
30 ngày |
05. TRIỆU CHỨNG VÀ BIẾN CHỨNG
a) Nhiễm độc cấp tính
∙ Mức độ nhẹ (Nồng độ HbCO trong máu đạt mức từ 10% đến dưới 30%): Tâm căn suy nhược (đau đầu, chóng mặt, buồn nôn), rối loạn thị giác.
∙ Mức độ trung bình (Nồng độ HbCO trong máu đạt mức từ 30% đến dưới 50%): Khó thở nhanh, đau đầu dữ đội, ngất lịm.
∙ Mức độ nặng (Nồng độ HbCO trong máu đạt mức từ 50% trở lên): Tổn thương thần kinh trung ương (mất ý thức, hôn mê), tổn thương tim mạch (nhồi máu cơ tim, thiếu máu cơ tim cục bộ, loạn nhịp tim, ngừng tim), phù phổi cấp, ngừng thở, tổn thương cơ vân. Đối với phụ nữ có thai, thai có thể bị chết lưu hoặc dị tật do thiếu oxygen.
b) Nhiễm độc mạn tính: Các triệu chứng thường không đặc hiệu, có thể có các triệu chứng tâm căn suy nhược.
c) Biến chứng: Sa sút trí tuệ, tâm thần, bị Parkinson, liệt, bệnh lý thần kinh ngoại vi,...
06. ĐIỀU TRỊ
Khi phát hiện người bệnh tiếp xúc với khí CO, cần phải đưa người đó ra khỏi khu vực chứa khí CO ngay lập tức. Sau đó phải cho người bệnh hít thở oxygen nguyên chất để đưa mức O2 trong máu trở lại mức bình thường. Có hai liệu pháp oxygen thường dùng:
∙ Liệu pháp oxygen 100%: Người bệnh hít khí O2 qua mặt nạ. Đây là phương pháp điều trị bệnh nhiễm độc carbon monoxide nghề nghiệp phổ biến nhất.
∙ Liệu pháp oxygen tăng áp: Người bệnh nằm trong một buồng cung cấp O2 dưới áp suất cao, giúp giảm nhanh chóng nồng độ carbon monoxide trong máu.
Ngoài ra, cần hỗ trợ hồi sức bệnh nhân nhiễm độc CO, theo dõi thần kinh và tim mạch.
Hình 4. Người bệnh thở oxygen. Liệu pháp oxygen giúp cung cấp O2 cho người bệnh, giảm và loại bỏ carbon monoxide trong máu.
07. PHÒNG NGỪA
Để phòng ngừa việc tiếp xúc với khí CO, cần có một số biện pháp sau:
∙ Thông gió tốt trong nhà xưởng.
∙ Bảo trì định kỳ máy móc, thiết bị động cơ đốt trong.
∙ Trang bị thiết bị phát hiện CO cố định và cá nhân, đặc biệt là khi làm việc trong các hầm mỏ.
∙ Sử dụng mặt nạ phòng độc khi làm việc trong môi trường nguy hiểm.
∙ Đào tạo người lao động nhận biết nguy cơ có thể tiếp xúc khí CO và xử lý khi có sự cố.
Hình 5. Một loại mặt nạ phòng độc giúp người lao động giảm khả năng tiếp xúc với CO và các khí độc khác.
08. TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Bộ Y tế (2024). “Phụ lục 16: Hướng dẫn chẩn đoán, giám định suy giảm khả năng lao động do bệnh nhiễm độc carbon monoxide nghề nghiệp”.
[2] Trần Thị Thuý Hiếu (22/07/2024). “Bệnh nhiễm độc cacbon monoxit nghề nghiệp là gì?”.
[3] WHO (1999). “Environmental Health Criteria for Carbon Monoxide”.
[4] CDC − NIOSH (30/10/2019). “Pocket Guide to Chemical Hazards − Carbon Monoxide”.
[5] Bộ Y tế (10/06/2019). “Thông tư QCVN 03:2019/BYT: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia − Giá trị giới hạn tiếp xúc cho phép của 50 yếu tố hoá học tại nơi làm việc”.
Tác giả: SCLS Đoàn Thanh Niên
Những tin cũ hơn