Lịch sử hình thành và phát triển Khoa Kỹ thuật Hóa học

Chủ nhật - 31/03/2024 13:48
Khoa Kỹ thuật Hóa học, tiền thân là Khoa Hóa-Thực phẩm là một trong những Khoa được thành lập đầu tiên của Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, nay là Đại học Bách Khoa Hà Nội.
 
Hình 1. Đại học Bách khoa buổi ban đầu

Giai đoạn 1956-1965: Khoa Hóa-Thực phẩm là một trong những Khoa được thành lập đầu tiên của Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội (ĐHBKHN). 15/10/1956, Trường ĐHBKHN đã tổ chức lễ khai giảng khóa 1, Khoa Hóa-Thực phẩm có 184 sinh viên và rất nhiều người trong số đó sau này đã trở thành các nhà khoa học đầu ngành có uy tín cao ở cả trong và ngoài nước. Trong giai đoạn này (1956 – 1965), từ Tổ Hóa đã hình thành các Bộ môn Cơ bản, Cơ sở và Chuyên ngành: Hóa Lý, Hóa Phân tích, Hóa Hữu cơ, Hóa Vô cơ-Đại cương, Kỹ thuật Vô cơ-Silicat, Kỹ thuật các chất Hữu cơ, Máy hóa-Hóa công.

Hình 2. Ngày hội Bách khoa năm 1959
 
Hình 3. Cuộc hành quân lịch sử sơ tán lên Lạng Sơn và sơ đồ khu sơ tán

Giai đoạn 1965-1975 (kháng chiến giải phóng miền Nam): Do chiến tranh leo thang nên đại bộ phận cán bộ và sinh viên Trường cùng công cụ học tập đã di chuyển lên khu sơ tán Lạng Sơn. Năm 1967, Bộ môn Thực phẩm tách ra thành lập Trường Đại học Công nghiệp nhẹ. Năm 1969, Khoa chuyển dần về vùng đồng bằng và Hà Nội. Năm 1972 chiến sự ác liệt trở lại, Khoa Hóa một lần nữa sơ tán lên huyện Phú Xuyên, Hà Tây (cũ) sau đó là huyện Hiệp Hòa, tỉnh Hà Bắc (cũ). Trong suốt 10 năm khó khăn gian khổ này khoa vẫn giữ vững quy mô tuyển sinh, không ngừng trưởng thành về chất lượng dạy và học. Nhiều giáo trình được biên soạn, tiến tới mục tiêu đào tạo Kỹ sư Hóa học, nhiều nghiên cứu khoa học phục vụ sản xuất và chiến đấu được triển khai như: sản xuất than hoạt tính, chất phát quang, xi măng lò đứng, mạ nhôm, phân lân nung chảy… 

Hình 4. Dựng lớp tại khu sơ tán và phòng thí nghiệm hóa của ĐHBK Hà Nội tại Lạng Sơn
 
Hình 5. Một lễ khai giảng tại Đại học Bách khoa giai đoạn 1975-1995

Giai đoạn 1975-1995: Trong thời gian này đội ngũ cán bộ của Khoa đông về số lượng, mạnh về chất lượng nhưng theo yêu cầu chung, Khoa đã chia sẻ một bộ phận cán bộ quản lý và cán bộ giảng dạy có năng lực chuyên môn để xây dựng các trường Đại học phía Nam như Trường Đại học Huế, Đà nẵng, Bách Khoa Hồ Chí Minh, Kỹ thuật Thủ Đức, Cần Thơ. Một số Phòng thí nghiệm chuyên đề cũng được thành lập như Phòng thí nghiệm chuyên đề Silic (1976); Nguyên tố hiếm và Phóng xạ (1973), Trung tâm nghiên cứu Vật liệu Vô cơ (1990). Trong thời kỳ này, Bộ môn Xenluloza & Giấy của Khoa Kỹ thuật thực phẩm (Trường Đại học Công nghiệp nhẹ) nhập vào Bộ môn Công nghiệp Hóa học của Khoa, đồng thời Khoa cũng mở thêm 1 số ngành mới lần đầu tiên ở Việt Nam như: Công nghệ In và gia công ấn phẩm, Công nghệ khai thác muối biển. Năm 1984, thành lập Khoa Hóa-Thực phẩm trên cơ sở Khoa Hóa và Khoa Công nghiệp Thực phẩm gồm có 6 Bộ môn lớn: Bộ môn Hóa cơ bản (Hóa lý, Phân tích, Vô cơ-Đại cương); Bộ môn Quá trình-Thiết bị Công nghệ Hóa học (Hóa công, Công nghiệp Hóa học, Máy hóa chất, Máy thực phẩm), Bộ môn Kỹ thuật các chất Vô cơ (Xây dựng công nghiệp, Kỹ thuật các chất Vô cơ, Điện hóa, Kỹ thuật Silicat), Bộ môn Kỹ thuật các chất Hữu cơ (Tổng hợp Hữu cơ, Hữu cơ cơ bản, Cao phân tử, Nhiên liệu), Bộ môn Hóa sinh-Vi sinh, Bộ môn Công nghệ Thực phẩm. Năm 1987, Bộ môn Cao phân tử tách ra thành lập Trung tâm Nghiên cứu Vật liệu Polyme-Compozit. 

Hình 6. Phòng thí nghiệm Kỹ thuật hóa học tại toàn C4 (1975-1995)
 
Hình 7. Quảng trường C1 giai đoạn 1995-1999

Giai đoạn 1995-1999: Để đáp ứng yêu cầu của đất nước trong thời kỳ đổi mới, phấn đấu xây dựng Trường ĐHBKHN trở thành “Trung tâm Đào tạo, NCKH và CGCN chất lượng cao, đa ngành đa lĩnh vực với một số ngành mũi nhọn đạt trình độ tiên tiến”, Nhà trường đã sắp xếp, cơ cấu lại Khoa thành Khoa công nghệ Hóa học-Thực phẩm-Sinh học với 220 cán bộ, viên chức gồm 15 Bộ môn: Hóa lý, Hóa Phân tích, Hóa Hữu cơ, Hóa Vô cơ-Đại cương, Công nghệ Vô cơ, Công nghệ Vật liệu Silicat, Công nghệ Điện hóa và Bảo vệ kim loại, Quá trình và Thiết bị Công nghệ Hóa-Thực phẩm, Công nghệ Hóa học, Máy hóa và Máy thực phẩm, Công nghệ Sinh học Thực phẩm, Công nghệ Lương thực Thực phẩm, Công nghệ Thực phẩm nhiệt đới. Năm 1995, từ Khoa tách ra thành lập 2 Trung tâm: Trung tâm Nghiên cứu Ăn mòn và Bảo vệ Kim loại và Trung tâm Khoa học Công nghệ Môi trường (sau là Viện Khoa học và công nghệ Môi trường). Năm 1999, 3 Bộ môn Công nghệ Sinh học Thực phẩm, Công nghệ Lương thực Thực phẩm, Công nghệ Thực phẩm nhiệt đới tách khỏi Khoa và cùng Trung tâm Công nghệ Sinh học thành lập Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm. 

Hình 8. Lễ bảo vệ luận án Tiến sĩ  ngành Kỹ thuật Hóa học (1995-1999)
 
Hình 9. Kỷ niêm 45 năm ngày thành lập Đại học Bách khoa (2001)

Giai đoạn 1999-2009: Tháng 7/1999 thành lập Khoa Công nghệ Hóa học với 12 Bộ môn: Hóa lý, Hóa Phân tích, Hóa Hữu cơ, Hóa Vô cơ-Đại cương, Công nghệ Vô cơ và In, Công nghệ Vật liệu Silicat, Công nghệ Điện hóa và Bảo vệ kim loại, Công nghệ Hữu cơ-Hóa dầu, Công nghệ Hóa học, Xây dựng Công nghiệp, Quá trình-Thiết bị Công nghệ Hóa học và Thực phẩm, Máy và Thiết bị Hóa chất dầu khí. Năm 2003, do yêu cầu phát triển, Khoa giải thể Bộ môn Công nghệ Hóa học, thành lập Bộ môn Công nghệ In. Năm 2006, tách nhóm Xenluloza & Giấy và nhóm Hóa dược-Hóa chất bảo vệ thực vật từ Bộ môn Công nghệ Hữu cơ-Hóa dầu để thành lập các Bộ môn độc lập. 

Hình 10. Tuần sinh hoạt công dân Viện Kỹ thuật Hóa học năm 2017

Giai đoạn 2010-2023: Ngày 29 tháng 12 năm 2010, theo quyết định số 2517/QĐ-ĐHBK-TCCB của Hiệu trưởng Trường ĐHBK HN, Viện Kỹ thuật Hóa học đã được chính thức thành lập trên cơ sở Khoa Công nghệ Hóa học gồm 14 Bộ môn và 01 Phòng thí nghiệm trọng điểm. Từ tháng 4-2019, theo định hướng phát triển chung của Trường ĐHBKHN, Viện Kỹ thuật Hóa học đã cơ cấu lại bộ máy tổ chức với 4 Bộ môn Khoa học (Hóa lý, Hóa Phân tích, Hóa Hữu cơ, Hóa Vô cơ-Đại cương), 9 Bộ môn Công nghệ (Công nghệ Vật liệu Silicat, Công nghệ Điện hóa và Bảo vệ kim loại, Công nghệ các chất Vô Cơ, Công nghệ Hữu cơ-Hóa dầu, Công nghệ Hóa dược và Thuốc BVTV, Công nghệ In, Xây dựng Công nghiệp, Quá trình-Thiết bị Công nghệ Hóa học và Thực phẩm, Máy và Thiết bị Hóa chất dầu khí) và 3 Trung tâm nghiên cứu. 

Hình 11. Hệ thống PTN phục vụ đào tạo của Viện Kỹ thuật Hóa học
 
Hình 12. Thành lập trường Hóa và Khoa học sự sống

Theo QĐ của Hội đồng ĐH ngày 29/03/2023, Đại học Bách khoa Hà Nội Công bố nghị quyết thành lập Trường Hóa và Khoa học sự sống trên cơ sở sáp nhập 4 Viện: Viện Kỹ thuật hóa học, Viện Công nghệ Sinh học & Công nghệ Thực phẩm, Viện Khoa học và Công nghệ môi trường, Viện Nghiên cứu và Phát triển ứng dụng các hợp chất thiên nhiên. Trường có đội ngũ giảng viên và cán bộ được đào tạo bài bản, có trình độ cao với trên 90% giảng viên có học vị tiến sĩ và gần 40% giảng viên có học hàm giáo sư, phó giáo sư. Trường Hóa và Khoa học sự sống có cơ cấu tổ chức gồm 9 đơn vị bao gồm 5 Khoa, 1 văn phòng trường và 3 Trung tâm gồm có: Trung tâm Kỹ thuật, Trung tâm Khoa học và Công nghệ Cao su và Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hóa, Môi trường và Khoa học sự sống. 

Hình 13. Thành lập khoa Kỹ thuật Hóa học gồm 8 nhóm chuyên môn (09/09/2023)

Khoa Kỹ thuật Hóa học được thành lập theo quyết định số 7953/QĐ-ĐHBK ngày 09/09/2023, trên cơ sở kế thừa và phát triển các đơn vị đào tạo kỹ thuật, công nghệ từ Viện Kỹ thuật Hóa học với 63 cán bộ-giảng viên thuộc 8 nhóm chuyên môn gồm: Kỹ thuật quá trình, Máy và Thiết bị Công nghiệp Hóa chất – Dầu khí, Điện hóa và tích trữ, chuyển đổi năng lượng, Công nghệ Vô cơ và Dinh dưỡng cây trồng, Công nghệ Vật liệu Silicat, Công nghệ Hóa dược, Mỹ phẩm và Bảo vệ thực vật, Công nghệ Hóa dầu và Khí, Công nghệ Giấy và Bao bì.

Hình 14. Chương trình đào tạo với 8 định hướng chuyên sâu của khoa Kỹ thuật Hóa học

Khoa Kỹ thuật Hóa học hiện tham gia đào tạo 2 chương trình: chương trình Kỹ thuật Hóa học (mã số CH1) và chương trình tiên tiến Kỹ thuật Hóa dược (CH E11). Trong thời gian tới, Khoa Kỹ thuật Hóa học có kế hoạch xây dựng, phát triển thêm một số chương trình đào tạo mới trong các lĩnh vực Chế biến khoáng sản; Kỹ thuật Hóa dược… 63 cán bộ, giảng viên của Khoa đều là các chuyên gia giỏi trong các lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật hóa học; thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu lớn, tham gia nhiều dự án chuyển giao công nghệ có hiệu quả trong thực tế sản xuất.

Hình 15. Khoa Kỹ thuật Hóa học đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu khoa học

Với bề dày truyền thống, nền tảng vững chắc được kế thừa từ gần 70 năm lịch sử cùng đội ngũ nhân lực hùng hậu, Khoa Kỹ thuật Hóa học đặt mục tiêu đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ-kỹ thuật hóa học cho đất nước với triết lý “vững chắc, toàn diện, sáng tạo và thích ứng”; đồng thời luôn sẵn sàng tham gia, giải quyết các bài toán về khoa học, công nghệ trong nghiên cứu cơ bản và thực tiễn sản xuất của lĩnh vực kỹ thuật hóa học.

 
Hình 16. Khoa Kỹ thuật Hóa học với mục tiêu phát triển “vững chắc, toàn diện, sáng tạo và thích ứng”
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây