Giới thiệu Khoa Khoa học và Công nghệ Môi trường

Thứ sáu - 14/06/2024 08:18
Giới thiệu Khoa Khoa học và Công nghệ Môi trường

Khoa Khoa học và Công nghệ Môi trường được thành lập theo quyết định số 7953/QĐ-ĐHBK ngày 9/9/2023 của giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội.

Khoa KH&CN Môi trường hiện nay bao gồm 30 cán bộ trong đó có:

  • 24 cán bộ giảng dạy bao gồm 8 PGS, 14 TS, 2 ThS
  • 6 cán bộ nghiên cứu

Trưởng khoa: PGS.TS. Hoàng Thị Thu Hương
Phó trưởng khoa: TS. Trần Thanh Chi
Phó trưởng khoa: PGS.TS. Đỗ Khắc Uẩn

Khoa chịu trách nhiệm giảng dạy các môn học thuộc các chương trình đào tạo Cử nhân, Kỹ sư, Thạc sỹ của ngành Kỹ thuật Môi trường (EV1) và Quản lý Tài nguyên&Môi trường (EV2) và chương trình Tiến sỹ Kỹ thuật Môi trường.
Có 5 nhóm chuyên môn được thành lập theo các định hướng phát triển của Khoa:
  • Nhóm chuyên môn Công nghệ Môi trường
  • Nhóm chuyên môn Kiểm soát Ô nhiễm
  • Nhóm chuyên môn Khoa học Môi trường
  • Nhóm chuyên môn Quản lý Môi trường
  • Nhóm chuyên môn Năng lượng – Môi trường và Biến đổi khí hậu

Khoa Khoa học và Công nghệ môi trường được thành lập trên nền tảng Viện Khoa học và Công nghệ môi trường (INEST) sau 25 năm xây dựng và phát triển tại Đại học Bách Khoa Hà Nội.  

Trung tâm Khoa học và Công nghệ môi trường (CEST) được thành lập năm 1994, thuộc khoa Vô Cơ - Điện Hóa – Môi trường, thực hiện các đề tài khoa học với quyết tâm mở ngành đào tạo về Khoa học và Công nghệ môi trường tại trường ĐHBKHN để đáp ứng yêu cầu cấp bách của công cuộc công nghiệp hóa đất nước. Viện Khoa học và Công nghệ môi trường (INEST) được thành lập trên cơ sở trung tâm CEST (Quyết định số 2995/QĐ-BGD-ĐT-TCCB của Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 04 tháng 9 năm 1998). PGS. TS. Đinh Văn Sâm được Hiệu trưởng nhà trường bổ nhiệm làm Viện trưởng đầu tiên của viện.

Viện đã nhanh chóng hoàn thành các thủ tục mở đào tạọ các chuyên ngành ở tất cả các bậc đào tạo: Đại học, Cao học và Tiến sỹ. Đồng thời, Viện cũng tích cực xây dựng các đề cương đề tài nghiên cứu tham gia các chương trình nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ và địa phương, nổi bật nhất là Đề tài cấp nhà nước KC 08.09. “Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc xây dựng các chính sách và biện pháp giải quyết vấn đề môi trường ở các làng nghề Việt Nam” được thực hiện trong giai đoạn 2001 - 2003. Viện được tiếp nhận dự án đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm “Nghiên cứu và phát triển công nghệ môi trường” để nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu của Viện và hỗ trợ thực hiện dự án quốc tế tài trợ. Bên cạnh đó, viện cũng đã phát triển tốt các dịch vụ môi trường như xử lý chất thải, đánh giá tác động môi trường và quan trắc môi trường. Viện đã xây dựng nền tảng vững chắc cho cả ba nhiệm vụ chính của Viện: đào tạo, nghiên cứu khoa học và cung cấp dịch vụ môi trường. Viện đã mở rộng hợp tác quốc tế với các trường Đại học và viên nghiên cứu trong khu vực thông qua các dự án quốc tế tài trợ đóng góp đáng kể vào hình thành, duy trì và và phát triển mạng lưới hợp tác giữa một số trường Đại học kỹ thuật trong nước và nước ngoài chia sẻ kịp thời các kết quả nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực môi trường. Hợp tác chặt chẽ với các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và các hiệp hội khác nhau tận dụng hoạt động của các dự án do quốc tế tài trợ cũng như dự án cấp nhà nước để đẩy mạnh thực hiện các xu hướng tích cực hiện nay của thế giới trong giải quyết các vấn đề môi trường vào đời sống thực tế, hướng tới phát triển bền vững đất nước.

Sau 25 năm xây dựng và phát triển, Viện KH&CN Môi trường đã đạt được những thành tích nổi bật:

        Là một trong các địa chỉ có uy tín hàng đầu ở Việt Nam về đào tạo đại học và sau đại học với hai chuyên ngành: Kỹ thuật môi trường và Quản lý Tài nguyên và Môi trường; ở bậc tiến sĩ có ngành Kỹ thuật Môi trường. Đến hết năm học 2022-2023, đã đào tạo được 1558 KS, 673 thạc sĩ và 22 TS và là một đối tác tin cậy với các trường đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài nước cũng như các tổ chức quốc tế.  Bên cạnh đó, Viện còn tiến hành tổ chức nhiều khóa đào tạo ngắn hạn về quản lý vận hành hệ thống xử lý chất thải, sản xuất sạch hơn, quan trắc môi trường, phân tích chất lượng môi trường, đánh giá tác động môi trường, ... cho cán bộ công tác tại doanh nghiệp, cũng như các cơ quan quản lý môi trường các cấp.

Từ khi thành lập tới nay, Viện đã hoàn thành 03 dự án đầu tư của Nhà nước hoặc tương đương  gồm : Trung tâm Quan trắc môi trường và Kiểm soát ô nhiễm công nghiệp (2000), Phòng thí nghiệm nghiên cứu và triển khai Công nghệ môi trường (2000-2006), Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Công nghệ tiên tiến tái chế chất thải (2015 – 2017), thực hiện 05 đề tài cấp Nhà nước, trên 100 đề tài cấp Bộ/Tỉnh/TP, nhiều đề tài cấp cơ sở, 02 dự án cấp quốc gia do Thụy Sỹ tài trợ qua UNIDO, 20 dự án nhỏ do các tổ chức của LHQ, Canada, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Vương quốc Anh tài trợ. Viện là đơn vị khởi xướng và đi đầu trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu triển khai những vấn đề mới trong bảo vệ môi trường như chương trình áp dụng sản xuất sạch hơn tại các cơ sở công nghiệp, nghiên cứu và giải quyết các vấn đề môi trường tại các làng nghề Việt Nam, tái chế chất thải điện tử.

        Trong xu thế hội nhập và phát triển, hoạt động nghiên cứu khoa học của Khoa trong những năm tới sẽ tập trung vào các hướng sau: Phát triển và xúc tiến các công nghệ thân thiện môi trường; Phát triển các công nghệ tích hợp để xử lý chất thải; Tái sử dụng và tái chế chất thải; Chế tạo vật liệu để xử lý ô nhiễm; Khoa học môi trường.

       Viện hợp tác chặt chẽ với các đơn vị đào tạo và nghiên cứu về môi trường trong và ngoài nước để trao đổi kinh nghiệm, phối hợp nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực. Kể từ khi thành lập đến nay, Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường đã đóng góp tích cực vào các hoạt động bảo vệ môi trường, được các bộ/ngành đánh giá cao và giành được sự tin tưởng của các đối tác trong nước và  quốc tế. Điều đó được thể hiện ở việc tập thể Viện đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo, Công Đoàn Giáo dục Việt Nam, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường và Bộ Tài Nguyên và Môi trường tặng Bằng khen, đặc biệt tập thể Viện và 03 cá nhân thành viên của viện đã được trao tặng “Giải thưởng Môi trường Việt Nam”. Nhiều cán bộ của Viện được Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý như Huân chương Lao động hạng III (PGS. Đinh Văm Sâm, GS. Đặng Kim Chi), giải thưởng Kovalevskaia (GS. Đặng Kim Chi), Nhà giáo Nhân dân (GS. Đặng Kim Chi), Nhà giáo Ưu tú (PGS. Đinh Văn Sâm, PGS. Trần Văn Nhân, PGS. Nguyễn Ngọc Lân, GS. Huỳnh Trung Hải), Bằng khen của Thủ tưởng chính phủ và của Bộ trưởng.

Với nền tảng vững chắc và những kinh nghiệm, thành tựu đã đạt được trong 25 năm qua, thế hệ cán bộ Khoa KH&CN Môi trường hiện nay sẽ thích nghi tốt với bối cảnh mới của ĐHBK Hà Nội, vượt qua mọi thách thức, hoàn thành sứ mệnh của mình trong giai đoạn mới xây dựng và phát triển trường Hóa và Khoa học Sự sống.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây