Tốt nghiệp Khoa Khoa học và Công nghệ Môi trường, BKHN chân trời nào tôi đã đi và đến?

Thứ sáu - 26/07/2024 22:37
Xin chào các bạn! Mình là Nguyễn Đức Việt, cựu sinh viên K57 Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường (INEST), nay là Khoa KH và CN Môi trường, Trường Hóa và Khoa học Sự sống. Hiện tại, mình đang làm Nghiên cứu sinh sau Tiến sĩ và giảng dạy tại Đại học Ghent (Bỉ), Global Campus, Hàn Quốc.
Tốt nghiệp Khoa Khoa học và Công nghệ Môi trường, BKHN chân trời nào tôi đã đi và đến?

Ngay từ khi còn là cậu sinh viên năm hai, mình đã say mê các buổi trình bày nghiên cứu khoa học và bảo vệ đồ án tốt nghiệp của các anh chị khóa trên. Đến đầu năm ba đại học, mình viết thư chủ động xin làm nghiên cứu khoa học với PGS. Hoàng Thị Thu Hương. Được cô nhận và hướng dẫn suốt ba năm cuối đại học, cùng với anh Nguyễn Anh Bắc và nhóm nghiên cứu của PGS. Nguyễn Thị Thu Hà ở ĐH Khoa học Tự nhiên, chúng mình đã có những ngày tháng nghiên cứu đầy thử thách, vất vả nhưng cũng rất vui và để lại nhiều kỷ niệm, thành quả ngọt ngào.

Hội đồng II bảo vệ ĐATN Kỹ sư KTMT năm 2017.

Sau những năm tháng được bồi dưỡng và thử sức ấy, mình nhận ra niềm đam mê mãnh liệt với nghiên cứu khoa học. Trao đổi với cô giáo, mình được định hướng tiếp tục học cao hơn để phát triển kỹ năng nghiên cứu chuyên sâu và trở thành nhà khoa học. Tuy nhiên, do kỹ năng tiếng Anh còn hạn chế, mình chưa đi du học ngay sau khi tốt nghiệp. Thay vào đó, mình có một thời gian ngắn trao đổi tại ĐH Khoa học Công nghệ Hoàng gia Ả Rập Saudi (King Abdullah University of Science and Technology, KAUST) và làm nghiên cứu tại INEST, trước khi sang Hàn Quốc làm nghiên cứu sinh (NCS) tại Đại học Sungkyunkwan, trường đại học lâu đời nhất của Hàn Quốc với lịch sử hơn 600 năm.

Sau bốn năm làm NCS, mình tốt nghiệp và từ năm 2022 làm việc tại ĐH Ghent. Ngoài công việc giảng dạy, mình còn tham gia các dự án tài trợ bởi chính phủ Hàn Quốc, Vương quốc Bỉ, và hợp tác trong các dự án nghiên cứu quốc tế.

In
Giảng dạy tại UGent global campus.
 

Trong tương lai, mình sẽ tiếp tục công việc của một nhà khoa học, tham gia vào các công trình nghiên cứu và giảng dạy, đào tạo thế hệ tiếp theo để đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng. Mình cũng mong muốn kết nối và hỗ trợ các bạn sinh viên Việt Nam có hứng thú học tập và trao đổi ở các nước phát triển.

Quá trình học tập 5 năm của mình ở ĐHBKHN là một hành trình thực sự đáng nhớ, với rất nhiều kỷ niệm đẹp và không có gì để hối tiếc. Khi đã hết mình với tất cả sức trẻ và nhiệt huyết, mình luôn thấy nó trọn vẹn. Mong các bạn cũng sẽ hết mình để có những năm tháng tuổi trẻ tươi đẹp ở BKHN. Tuy nhiên, nếu có một điều mình có thể làm tốt hơn, thì đó là việc học ngoại ngữ.
Ngay từ khi bước chân vào cánh cổng parabol của ĐHBKHN, mình đã hiểu rõ tầm quan trọng của tiếng Anh. Hồi phổ thông, vì lười học ngoại ngữ, cô giáo dạy tiếng Anh đã dọa rằng mấy đứa thi Bách Khoa mà lười học ngoại ngữ sẽ gặp khó khăn với môn tiếng Anh. Vì học chuyên ban A từ phổ thông và không có nền tảng ngoại ngữ tốt, mình đã mất khá nhiều thời gian để tự học và hoàn thiện kỹ năng. Vì thế, kinh nghiệm đầu tiên cho các bạn sinh viên là ngoài việc nghiêm túc dành thời gian cho việc học chuyên ngành để có kỹ năng chuyên môn sâu, ngoại ngữ cũng vô cùng quan trọng, dù các bạn có ý định đi du học hay làm việc tại Việt Nam. Học hỏi kinh nghiệm từ các thầy cô và anh chị khóa trước để có định hướng ngay từ ban đầu cũng sẽ rất hiệu quả.
Điều thứ hai mình muốn chia sẻ với các bạn sinh viên là về các kỹ năng mềm, bao gồm kỹ năng giao tiếp/trình bày, quản lý thời gian và làm việc nhóm. Các kỹ năng này đã được tích hợp rất khéo léo trong các môn học suốt thời gian học của các bạn. Ví dụ, việc chia lớp thành các nhóm nhỏ với sự thay đổi liên tục của các thành viên, hay các kỳ đi thực tập tại doanh nghiệp, đều giúp các bạn rèn luyện kỹ năng giao tiếp, làm việc và sinh hoạt nhóm. Các bài thuyết trình trên lớp và thí nghiệm trong phòng lab cũng giúp các bạn tập quản lý thời gian và nâng cao kỹ năng trình bày trước đám đông. Vì thế, hãy tích cực tham gia các hoạt động này.

Ngoài ra, việc có một nhóm bạn để cùng giúp đỡ nhau học tập, cùng nhau du lịch, trải nghiệm, hay chỉ đơn giản là cùng nhau “nói xấu” thầy cô sẽ giúp các bạn thấy năm năm học đại học không hề nhàm chán. Đây giống như là sự “chữa lành” sau những ngày tháng bị các thầy cô “hành” đồ án trên trường. Không phải tự nhiên mà sinh viên bọn mình vẫn hay nói

“Nắng Bách Khoa thiêu đốt đời trai trẻ/
Mây Hà thành che lấp tuổi thanh xuân.”
Nói vui vậy, nhưng thật sự thì mình nghĩ để vượt qua những năm tháng sinh viên ở trường ĐH Khoa học Công nghệ hàng đầu Việt Nam với những tiêu chuẩn khắt khe thì không thể không có những người bạn bên cạnh. Vì vậy, thay vì lo sợ, hãy cùng nhau tận hưởng những tháng ngày vô tư nhất nhé.
Sau khi đi làm, mình nhận ra kỹ năng quản lý thời gian và dự án theo cách bài bản rất quan trọng. Nó ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Các bạn nên tập quản lý thời gian từ sớm, có thể học thêm các khóa học online miễn phí từ Coursera hay EdX.
Thành phố Amsterdam, Hà Lan.

Thi thoảng, mình vẫn nhớ về Bách Khoa cùng với thầy cô và lũ bạn. Ngày xưa, mình rất thích một đoạn thơ của một bạn sinh viên nào đó trong các nhóm sinh viên hồi ấy. Mình muốn chia sẻ lại đoạn thơ này cho các bạn mới bảo vệ tốt nghiệp kỳ này, chuẩn bị nhận bằng và bay đi khắp mọi miền Tổ quốc hay các nước xa xôi khác:

“Nhiều năm tháng tôi sống giữa Bách Khoa
Kỷ niệm đơn sơ mơ hồ nhưng rất thật
Bè bạn cho tôi những tháng ngày đẹp nhất
Tuổi thanh niên mơ ước bao điều.

Rồi tôi cũng sẽ về với phố nhỏ tôi yêu
Với những hàng cây và buổi chiều thư viện
Tôi sẽ tìm những gì trong kỷ niệm
Bách Khoa mùa này bằng lăng nở chưa em?”
Dù đi xa, dù cuộc sống có bận rộn đến đâu, mình vẫn luôn mang trong tim những kỷ niệm đẹp về Bách Khoa, về những người bạn, thầy cô đã đồng hành cùng mình trên con đường chinh phục tri thức. Những năm tháng ấy, sẽ mãi mãi là một phần không thể quên trong cuộc đời mình.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây