Hành trình đam mê và thành công trong nghiên cứu hóa học của PGS. Trần Thu Hương

Thứ sáu - 02/08/2024 19:00
Từ những ngày thơ ấu với niềm đam mê tìm hiểu những hiện tượng thiên nhiên gần gũi trong cuộc sống, rồi từ những ngày đầu tiên chập chững học và nghiên cứu Hóa học, PGS.TS Trần Thu Hương đã trở thành một trong những nhà nghiên cứu “có thâm niên” trong lĩnh vực Hóa học các Hợp chất thiên nhiên/ Hóa Hữu cơ của ngành Hóa học ở Việt Nam.Với hơn 26 năm cống hiến cho sự nghiệp giảng dạy và nghiên cứu, với 39 năm theo nghề Hóa từ khi là sinh viên đến nay; cô Hương không chỉ là người truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ học trò mà còn là một nhà khoa học nữ với nhiều thành tựu đáng kể.Bài viết này sẽ khám phá một phần hành trình sự nghiệp, một số thành tựu về  nghiên cứu, giảng dạy và đào tạo của cô trong “con đường nghề” của mình.

1. Niềm Đam Mê Hóa Học Từ Thuở Bé

Niềm đam mê hóa học của PGS.TS Trần Thu Hương bắt đầu từ khi còn nhỏ, khi cô thường đặt ra những câu hỏi hóc búa về thế giới xung quanh mình. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống trong ngành Hóa học, sự yêu thích môn học này được nhen nhóm trong cô từ rất sớm. Là học sinh khóa đầu tiên khối phổ thông chuyên Hóa của Thành phố Hà Nội, niên khóa 1982-1985, cô Hương ngày càng có thêm nhiều đam mê và được hiểu rõ hơn về Hóa học, cũng như thấy được rõ hơn sự hiện diện gần gũi của Hóa học ở mọi ngóc ngách cuộc sống.

PGS. TS. Trần Thu Hương

2. Hành Trình Học Tập Và Nghiên Cứu

Sau khi tốt nghiệp ngành Hóa học, chuyên ngành Hóa Hữu cơ  tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học Tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) năm 1990, PGS.TS Trần Thu Hương là một trong hai sinh viên xuất sắc nhất khóa được lựa chọn làm chuyển tiếp Nghiên cứu sinh. Tại mái trường này, dưới sự hướng dẫn của các GS, PGS, những Thày Cô uyên bác, vô cùng tài năng, đức độ,  cô nghiên cứu sinh Hương thuở nào đã vượt qua những năm tháng học tập đầy khó khăn nhưng cũng đầy những kỷ niệm đáng nhớ.  Với sự kiên trì học hỏi, nỗ lực học tập không ngừng , đến năm 1996  cô Hương đã bảo vệ thành công  luận án Tiến sĩ và được nhận tấm Bằng Tiến sỹ Hóa học danh giá khi mới 27 tuổi.

3. Sự Nghiệp Và Đóng Góp Tại Đại Học Bách Khoa Hà Nội

Nhận lời mời của Cố GS.TS Hoàng Trọng Yêm và PGS.TS Nguyễn Đăng Quang, PGS.TS Trần Thu Hương đã về giảng dạy tại Bộ môn Hóa Hữu cơ, Đại học Bách Khoa Hà Nội từ năm 1998. Từ đó, cô đã dành trọn tâm huyết cho sự nghiệp giáo dục và nghiên cứu tại đây. Song song với công việc chuyên môn, cô cũng gặt hái được thành công trong công việc quản lý công tác Đảng và công tác Chính quyền. Sau 5 năm công tác, từ năm 2003 cô được bầu chọn làm Trưởng Bộ môn Hóa Hữu cơ và giữ chức vụ này trong suốt 15 năm. Ngoài ra, cô cũng từng giữ chức vụ Phó Viện trưởng Viện Kỹ thuật Hóa học, phụ trách về nghiên cứu khoa học từ năm 2008 đến năm 2018.

4. Những Thành Tựu Nghiên Cứu Khoa Học

PGS Trần Thu Hương và nhóm nghiên cứu đã có nhiều công trình nghiên cứu đáng chú ý, đặc biệt là trong việc chiết tách và phân lập các hợp chất có hoạt tính sinh học từ thiên nhiên. Một trong những nghiên cứu nổi bật của nhóm nghiên cúu của PGS Trần Thu Hương là chiết tách các hợp chất từ vỏ quả Măng cụt, từ lá Sake, từ cây Lược vàng…Từ những nguồn thực vật phong phú của Việt Nam, nhóm nghiên cứu của cô đã tách chiết và tạo được một số sản phẩm hữu ích, góp phần hỗ trợ giảm đường huyết, chống oxi hóa, kháng viêm…
PGS Trần Thu Hương và cộng sự  đã công bố trên 130 bài báo khoa học trong nước và quốc tế, trong số đó có khoảng hơn 35 bài báo quốc tế ISI. Một thành tựu nổi bật nữa đáng được kể đến là trong vòng 14 năm (từ năm 2009 đến 2023), PGS Hương đã được cấp 6 Bằng Độc quyền Sáng chế và 01 Bằng Độc quyền Giải pháp Hữu ích đều về lĩnh vực Hóa học các Hợp chất Thiên nhiên.

Về đào tạo đại học cũng như sau đại học, cô Trần Thu Hương cũng đã đạt được những thành tích đáng tự hào. Từ năm 2010 đến nay, PGS Trần Thu Hương đã hướng dẫn thành công 6 Tiến sĩ, nhiều Thạc sĩ và hiện nay (2024) đang hướng dẫn chính 03 Nghiên cứu sinh cùng nhiều học viên cao học và các sinh viên khác.

5. Tầm Quan Trọng Của Nghiên Cứu Khoa Học

Đối với các nhà Hóa học các Hợp chất thiên nhiên, việc tìm ra hợp chất mới từ thực vật, vi sinh vật, động vật có hoạt tính sinh học là một hành trình thú vị và ý nghĩa. Cô Hương luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chiết tách, phân lập các hoạt chất từ thiên nhiên để lý giải các bài thuốc dân gian và tạo ra các sản phẩm hữu ích phục vụ đời sống. Mỗi nghiên cứu của cô không chỉ nhằm giải quyết các vấn đề khoa học mà còn hướng tới ứng dụng thực tiễn, mang lại lợi ích cho cộng đồng.
PGS. Hương chia sẻ rằng việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm liên quan đến sức khỏe đòi hỏi nhiều thử nghiệm và nguồn kinh phí lớn. Cô và nhóm nghiên cứu luôn chú trọng đến chất lượng và an toàn của sản phẩm trước khi đưa ra thị trường. Đặc biệt, việc nghiên cứu các hợp chất từ thực vật và vi sinh vật đòi hỏi sự tỉ mỉ và cẩn thận trong từng bước phân tích và thử nghiệm.

PGS.TS Trần Thu Hương không chỉ là một nhà nữ khoa học xuất sắc mà còn là một người dẫn đường đầy tâm huyết cho thế hệ trẻ, cho các thế hệ sinh viên trong lĩnh vực nghiên cứu Hóa học các Hợp chất Thiên nhiên/ Hóa học Hữu cơ.

PGS. TS. Trần Thu Hương cùng các nữ giáo chức của Đại học Bách khoa Hà Nội tới dự buổi gặp mặt Lãnh đạo chính phủ nhân ngày 8/3 năm 2024

Cô luôn tâm niệm rằng “ đối với tôi, thành công là do sức mạnh và nỗ lực của cả tập thể cùng gắn kết. Trong mọi công việc, tập thể làm nên sức mạnh”

Trong suốt hành trình của mình, từ một cô học sinh đam mê Hóa học đến khi trở thành một nữ Giảng viên Hóa học đam mê với nghề, một nhà nghiên cứu khoa học thành công, là một chặng đường không dễ dàng, cần nhiều nỗ lực để vượt qua, song cũng gặt hái được rất nhiều niềm vui và hạnh phúc.

Những thành tựu của PGS.TS Trần Thu Hương và nhóm nghiên cứu đã góp phần vào sự phát triển của ngành Hóa học nói chung và lĩnh vực Hóa học các Hợp chất thiên nhiên/ Hóa Hữu cơ nói riêng, thể hiện sứ mệnh cao cả của nhà khoa học phục vụ đời sống.

Tác giả: Phạm Thị Thu Trang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây