[CH1] KỸ THUẬT GIẤY VÀ BAO BÌ: Sản phẩm gần gũi và thân thiện với con người

Thứ hai - 08/04/2024 14:52
Sản phẩm giấy và bao bì có vai trò quan trọng của trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người. Từ việc sử dụng giấy từ khi còn bé, đến các sản phẩm bao bì giúp bảo quản và tăng giá trị của hàng hóa, chúng đều là phần không thể thiếu trong xã hội hiện đại. Hãy tham gia vào ngành kỹ thuật giấy và bao bì, vì đây là một ngành nghề bền vững và đầy tiềm năng, đồng thời tạo ra sản phẩm cần thiết cho cuộc sống hiện đại.
 BẠN BIẾT MÀ!: Ngay từ khi “lọt lòng”, ai đó trong số người thân đã mang cho bạn một tấm “bỉm” nhẹ nhàng êm ái, để bạn ngon giấc và đến với cuộc đời này với biết bao hoài bão, sự kỳ vọng của cha mẹ, người thân của bạn. Đó là sản phẩm từ xenlulo và giấy được sản xuất theo công nghệ của Ngành KỸ THUẬT HÓA HỌC, mà bạn đã sử dụng, và rất có thể cũng sẽ là sản phẩm cuối cùng lại sẽ bên ta khi ta về già. Thật tuyệt vời khi xã hội hiện đại tạo ra những sản phẩm “sạch” và hữu ích như vậy để phục vụ nhu cầu thiết yếu của mỗi người. Rồi, bao nhiêu là sản phẩm giấy đa dạng nữa bạn cũng đã từng sử dụng, đặc biệt là kể từ khi bắt đầu đi học. Không chỉ là những trang giấy, cuốn vở, sách giáo khoa, cuốn truyện, mà nào là hộp bánh kẹo, hộp đựng bút, hộp điện thoại, thùng đựng đồ gia dụng điện tử, thùng mì ăn liền, giấy gói quà sinh nhật, túi giấy đựng đồ… chẳng thể nào kể hết và chúng hoàn toàn thân thiện, ở bên cạnh bạn.

Nhất là ngày nay, những loại bao bì giấy là một phần không thể thiếu của các mặt hàng gia dụng tiêu dùng hay sản phẩm công nghiệp. Chúng bảo quản và làm tăng giá trị của sản phẩm, bởi nhu cầu của xã hội hiện đại không chỉ dừng lại ở công dụng của sản phẩm, mà kèm theo là nhu cầu thẩm mỹ và tinh thần. Chẳng hạn, “cực chẳng đã” khi bạn tặng quà sinh nhật cho ai đó mà lại không có bao gói.  Bao gói không chỉ “lịch sự” mà còn tăng cả tính hấp dẫn, đôi khi là “huyền bí” của món quà mình mang tặng/được tặng. Nói tóm lại, cuộc sống hiện đại không thể thiếu bao bì. Công nghiệp mọi lĩnh vực càng phát triển, nhu cầu bao bì ngày càng tăng. Mà đấy thôi, người ta ngày càng tăng cường sử dụng những loại bao bì dễ phân hủy sinh học, thân thiện với môi trường hơn, đặc biệt là các bao bì giấy.
 
Lại một sản phẩm giấy nữa, đó là giấy tissue (giấy ăn, giấy vệ sinh, khăn lau từ giấy), cũng không thể thiếu! Những sản phẩm tiêu dùng này gắn liền với xã hội văn minh. Hiện Việt Nam có mức tiêu dùng giấy tissue khoảng 4,5 kg/đầu người/năm, so với khoảng 7,5 kg tại Nhật Bản, còn ở nhiều nước châu Phi … chỉ vài trăm gam. Không cần giải thích gì thêm thì bạn cũng hiểu. Trong những ngày dịch bện COVID-19 căng thẳng nhất, giấy tissue là một trong những mặt hàng khan hiếm mà người ta từng phải xếp hàng mua và tích trữ!
 Thùng, hộp giấy cactong
BẠN CÓ BIẾT? : Hàng ngày chúng ta vẫn chén khá nhiều thứ từ xenlulo? Nào là mì ăn liền, bánh mì đặc, xúc xích, bánh gato, bánh kẹo các loại, trà sữa, chè…Và đôi khi khi “nhức đầu”, “sổ mũi”, buộc phải làm vài viên thuốc màu trắng, vàng. Rồi hàng ngày chúng ta vẫn dùng dầu gội, xà phòng, kem đánh răng, mỹ phẩm khác… Thật khó tin là trong tất cả các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu nêu trên, đều có một lượng lớn hợp chất là các dẫn xuất của xenlulo, cụ thể là Carboxymethylcellulose (CMC), Hydroxyethylmethylcellulose (HEMC) hay Hydroxypropylmethylcellulose (HPMC), mà trong thực phẩm người ta gọi là “chất độn”, còn trong dược phẩm người ta gọi là “tá dược”. Chúng chắc chắn phải là những sản phẩm sạch và an toàn, lại là những sản phẩm không thể thiếu của cuộc sống hiện đại! Bởi ngày nay người ta hạn chế ăn tinh bột vì ngại “bếu”. Hơn nữa xenlulo vẫn bổ sung năng lượng đồng thời tăng cường chất xơ trong đồ ăn, thức uống, giúp tiêu hóa tốt hơn. Bạn có thể kiểm chứng bằng cách hỏi bác Google bằng những “từ khóa” nêu trên! Bên cạnh đó, các dẫn xuất của xenlulo còn được ứng dụng làm chất độn sơn phủ, vật liệu xây dựng khác, và nhiều vật liệu hấp dẫn khác như nanocellulose.
 
Tất cả những sản phẩm nêu trên, đều được sản xuất từ gỗ, nguồn nguyên liệu tái tạo và là nguồn gốc của các nguồn nguyên liệu hóa thạch (than đá, dầu mỏ, khí đốt), trải qua hàng tỉ năm vẫn là nguồn “sống” của cả nhân loại. Bạn đừng có nghĩ rằng, khai thác gỗ là “phá rừng”. Thật là ngây ngô đúng không? Gỗ rừng tự nhiên thì không phù hợp cho sản xuất xenlulo, và giờ thì ai cho phá rừng lấy gỗ làm giấy như người ta nói nữa. Mà ngược lại, người ta trồng rừng để lấy gỗ làm nguyên liệu cho sản xuất xenlulo và giấy, đó là lĩnh vực lâm nghiệp thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và góp phần bảo vệ hành tinh xanh (ở nước ta người ta trồng rừng Keo, Bạch đàn khắp nơi).

   
Dẫn xuất xenlulo làm chất độn trong kem, bánh ngọt và tá dược sản xuât thuốc

Công nghệ sản xuất các sản phẩm nêu thuộc lĩnh vực Kỹ thuật Giấy và Bao bì, chỉ là một chuyên ngành của ngành KỸ THUẬT HÓA HỌC ở Trường Hóa và Khoa học sự sống, ĐHBK HN. Ở nước ta có hàng trăm nhà máy giấy lớn nhỏ, trong đó có 12 doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài của Đức, Nhật Bản, Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, phân bố trên khắp cả nước. Bên cạnh đó, là hàng trăm nhà máy sản xuất bao bì giấy. Bạn có thể tìm trên mạng “nhà máy giấy” ở địa phương mình để biết. Ngày nay, ngành công nghiệp giấy đã thay đổi diện mao, cũng được hiện đại hóa, với những dây chuyền sản xuất quy mô lớn, tân tiến và rất cần nguồn nhân lực trình độ cao. Trên thế giới, những quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực công nghiệp giấy, đều là những nước phát triển, như Mỹ, Canada, Đức, Phần Lan, Thụy Điển, Áo, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… rõ ràng đây là ngành công nghiệp mang lại lợi nhuận cao và phải thân thiện với môi trường.
Các dẫn xuất của xenlulo thì hiện nay Việt Nam chưa sản xuất, nhưng cũng thật thú vị khi những sản phẩm nêu trên (như CMC, HEMC hay HPMC) lại được sản xuất bởi những tập đoàn toàn cầu như Samsung, LG vốn được biết đến như một thương hiệu lớn thuộc lĩnh vực điện tử, chứng tỏ có sức hút về thị trường.
Ngành Kỹ thuật Hóa học là như vậy. Bạn có thể không thích công nghiệp giấy, nhưng lại không thể thiếu giấy đúng không. Cũng như bạn không thích làm nông dân, nhưng lại không thể thiếu gạo. Vậy ai sẽ làm giấy để chúng ta sử dụng và ai sẽ trồng lúa để có gạo ăn nhỉ? Sao không phải là bạn! Mà không phải thử đâu! Đó là nghề nghiệp bền vững. Mong là bạn có duyên với ngành GIẤY! HÃY ĐĂNG KÝ CH1 - KỸ THUẬT HÓA HỌC đi kìa, để đến với BK đến với Kỹ thuật Giấy và Bao bì!             
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây