Cử nhân-Thạc sĩ tích hợp CN Thực phẩm: Gắn liền với thực tế và quốc tế hóa

Thứ tư - 10/04/2024 13:20
Cử nhân-Thạc sĩ tích hợp CN Thực phẩm: Gắn liền với thực tế và quốc tế hóa

Ngoài chương trình học đáp ứng yêu cầu thực tế, làm việc trên các đề tài nghiên cứu khoa học giải quyết bài toán của Doanh nghiệp, các viên cao học, cử nhân tích hợp Thạc sỹ ngành Công nghệ Thực phẩm đều có cơ hội tham gia môi trường nghiên cứu quốc tế và thực tập tại Chương trình Trao đổi tại các Trường Đại học có uy tín trên thế giới. Đại học Osaka là một trong các trường Đại học tốt nhất nước Nhật đón nhận tới 10 thạc sỹ và cử nhân/năm tham gia các PTN nghiên cứu thuộc Đại học Osaka Nhật Bản. Các bạn sẽ có những trải nghiệm tuyệt vời với nền Văn hóa lâu đời, phong cách làm việc tuyệt vời và được đồng hành với rất nhiều bạn bè từ khắp nơi trên thế giới.

CHƯƠNG TRÌNH TRAO ĐỔI 2 THÁNG ĐẠI HỌC OSAKA LÀ TRẢI NGHIỆM TUYỆT VỜI CỦA TÔI! - Trần Thị Minh Khuê

Chương trình trao đổi Chứng chỉ Quốc tế của Đại học Osaka, Nhật Bản (Osaka University International Certificate Program- OUICP) là một trải nghiệm và là cơ hội quý giá trong 2 năm học tập, hoàn thành chương trình Thạc sỹ của em tại Đại học Bách Khoa Hà Nội
Trong hơn 2 tháng học tập tại trường Đại học Osaka và làm thí nghiệm tại ICBiotech – Applied Microbiology Laboratory của thầy Fujiyama, em được tiếp cận với nhiều kiến thức mới và thiết bị hiện đại tiên tiến nhất, trong số đó có những kiến thức rất cần thiết cho quá trình nghiên cứu và hoàn thành luận văn của em như kỹ năng trình bày bài báo khoa học, xây dựng form slide báo cáo nghiên cứu, xử lý kết quả phân tích thành phần axit amin béo, …. Điều trân quý nhất trong quá trình nghiên cứu tại đây là tất cả đều được sử dụng bằng Tiếng Anh, vì vậy kỹ năng sử dụng ngôn ngữ Anh của em được nâng cao rất nhiều sau 2 tháng trao đổi – đặc biệt là kỹ năng nói. Điều em ấn tượng ngay từ ngày đầu đến lab làm việc bên cạnh môi trường làm việc chuyên nghiệp và trang thiết bị hiện đại là sự nhiệt tình, nồng hậu của mọi người. Có lẽ đó là văn hoá ứng xử của người Nhật, nên khi mà em được nhận những món quà nhỏ: bánh kẹo, cái khăn, móc khoá trong buổi chào đón thành viên mới làm việc tại lab tuần đầu tiên và buổi thuyết trình kết thúc chương trình học, em không khỏi ngạc nhiên và quý trọng.

‘’ Welcome Party’’ thực tập sinh và sinh viên trao đổi tại lab Applied Microbiology Laboratory (thầy Fujiyama- bên phải)


Ở bên đây em còn được rèn luyện thêm những kỹ năng cần thiết khác trong công việc nói riêng và cuộc sống nói chung: khả năng tập trung làm việc cao độ, chịu áp lực công việc cao, tổng hợp thông tin … Ngoài tham gia nghiên cứu khoa học thì chương trình trao đổi cũng yêu cầu sinh viên tham gia các lớp học (nền tảng trực tuyến và trực tiếp trên lớp), do phương pháp học bên này là luôn có bài report tổng hợp lại kiến thức sau mỗi buổi học, vì vậy có những ngày chạy deadline đến 3h sáng để tổng hợp report của các lớp và thí nghiệm.
 

Chuyến tham quan và học tập phương pháp nghiên cứu tại phòng thí nghiệm của công ty Komi Hakko Corp.

Tuy vất vả nhưng em rất may mắn khi luôn sự quan tâm, sát sao của thầy Fujiyama và sự hỗ trợ tận tình của nghiên cứu sinh Kim (cùng nhóm nghiên cứu về lipid nấm men) cùng các bạn khác trong lab, nên em đã hoàn thành tốt được kết quả nghiên cứu của mình trong 2 tháng tại đây.

Buổi thuyết trình nghiệm thu kết quả đề tài của học viên Trần Minh Khuê sau 2 tháng làm việc tại lab và tiệc chia tay.

Bên cạnh những học hỏi và trải nghiệm trong quá trình học tập nghiên cứu, em cũng đã có cơ hội đến nhiều tỉnh và thành phố khác, được trải nghiệm văn hoá: mặc kimono, tham gia các lễ hội mùa hè (lễ hội pháo hoa, lễ hội thả đèn…) và thưởng thức đặc trưng ẩm thực riêng của từng vùng như bò ở Kobe, matcha ở Kyoto, mochi ở Nara…. May mắn trong chuyến đi trao đổi này, em có quen và chơi thân với hai bạn thực tập sinh từ Thái – 1 bạn cùng lab thầy Fujiyama và 1 bạn lab thầy Honda. Sau một tuần làm việc hăng say và mệt mỏi, chúng em tranh thủ những ngày cuối tuần để đi chơi: có những tuần vẫn phải lên lab vào thứ 7, chủ nhật thì chúng em chỉ đi chơi trong Osaka. Nhờ có hệ thống tàu tiện ích và dễ dàng sử dụng ở Nhật, nên việc di chuyển đi chơi giữa các tỉnh, thành phố không khó khăn gì – đây cũng là điểm rất đáng ngưỡng mộ và học hỏi từ đất nước mặt trời mọc.

Trải nghiệm văn hoá tại các tỉnh/ thành phố khác cùng với sinh viên quốc tế

Thời gian của chương trình trao đổi tuy không dài nhưng em cũng đã có cơ hội được gặp gỡ và thân thiết với nhiều người bạn quốc tế từ nhiều quốc gia trên thế giới: Hàn, Thái, Nhật, Mỹ, Indonesia,…. ; được nghe thêm về đất nước, văn hoá của nước bạn đồng thời cũng học hỏi thêm được nhiều điều.

Món quà chia tay nhỏ những đầy ý nghĩa dành tặng cho học viên Trần Minh Khuê trong ngày cuối cùng

Chương trình trao đổi Chứng chỉ Quốc tế của Đại học Osaka, Nhật Bản (Osaka University International Certificate Program- OUICP) thực sự là cơ hội và trải nghiệm đáng giá mà em nhận được, đồng thời đây cũng là một bước đệm cho quá trình học hỏi và trưởng thành không chỉ trong học tập mà còn cả sự nghiệp em sau này.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây