[CH1] BẠN BIẾT GÌ VỀ NGÀNH CÔNG NGHỆ VẬT LIỆU SILICAT?

Thứ tư - 03/04/2024 10:31
Ngành CNVL Silicat là một trong những ngành chuyên sâu về Kỹ thuật Hóa học (mã ngành CH1), thuộc Khoa Kỹ thuật Hóa học, Trường Hóa và Khoa học sự sống, ĐHBK Hà Nội, có lịch sử phát triển 68 năm, đồng hành cùng với sự phát triển của Nhà trường.

Trong suốt tiến trình đào tạo, ngành Silicat đã đóng góp thường xuyên cho xã hội nguồn nhân lực kỹ thuật chất lượng cao, tạo dựng được uy tín lớn trong ngành. Nhiều thế hệ cựu sinh viên đã trưởng thành cả trên cương vị kỹ thuật, quản lý, kinh doanh và tham gia vào công tác chính trị quan trọng của đất nước.

 

CNVL Silicat là một trong những ngành công nghiệp quan trọng của Việt Nam. Với định hướng đào tạo chuyên sâu này, người học sẽ được trang bị những kiến thức về công nghệ để sản xuất các sản phẩm thuộc nhóm ngành XI MĂNG, GỐM SỨ, THỦY TINH, VẬT LIỆU CHỊU LỬA và các sản phẩm CERAMIC TIÊN TIẾN ứng dụng trong các lĩnh vực kỹ thuật điện, điện tử, y học, hàng không vũ trụ. Sự đa dạng về tính ứng dụng của các sản phẩm ngành Silicat có thể kể đến như:

  • Sản phẩm xi măng bao gồm các chủng loại xi măng khác nhau dùng cho các công trình xây dựng, giao thông, biển đảo....

  • Sản phẩm gốm sứ bao gồm gốm sứ gia dụng, mỹ nghệ,  gốm sứ xây dựng (gạch ốp lát, sứ vệ sinh, ngói lợp) và các chủng loại sứ kỹ thuật.

  • Sản phẩm thủy tinh bao gồm kính xây dựng, kính cho các thiết bị điện tử, thủy tinh dân dụng, thủy tinh quang học.

  • Sản phẩm vật liệu chịu lửa bao gồm các loại gạch, bê tông chịu lửa và gạch, bông cách nhiệt dùng trong các lò nhiệt độ cao như lò gốm, lò xi măng, lò thép…

  • Sản phẩm ceramic tiên tiến bao gồm các linh kiện bằng vật liệu ceramic trong các thiết bị điện, điện tử, máy bay, tên lửa, các loại gốm có độ bền cơ-nhiệt-điện-hóa cao đến siêu cao.

Từ những thông tin ngắn gọn trên, có thể nhận thấy các dòng sản phẩm ngành Silicat luôn hiện hữu quanh chúng ta bất cứ khi nào và bất cứ nơi đâu. Đó cũng là dấu hiệu cho thấy sự phát triển của ngành Silicat là trường tồn, là mãi mãi và cơ hội việc làm chưa bao giờ là giới hạn đối với sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Mạng lưới các nhà máy sản xuất và các công ty thương mại thuộc lĩnh vực chuyên ngành đào tạo lên tới hàng nghìn doanh nghiệp. Vì vậy, nhu cầu hiện nay cũng như dự báo trong tương lai về nhân lực ngành Silicat rất lớn. Ngoài ra, với khung chương trình đào tạo tiên tiến và hội nhập quốc tế, sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể tiếp tục học tập, nghiên cứu ở trong nước cũng như ở nước ngoài rất thuận lợi.

Lựa chọn lĩnh vực sản xuất, sinh viên sẽ được làm việc tại các Nhà máy sản xuất với các dây chuyền công nghiệp hiện đại và có nhiều cơ hội để phát triển các tố chất kỹ thuật của bản thân.
Lựa chọn lĩnh vực nghiên cứu, sinh viên có thể làm việc tại các viện nghiên cứu chuyên ngành để tham gia hoặc chủ trì các đề tài nghiên cứu khoa học, cũng có thể tham gia vào công tác quản lý sản xuất các sản phẩm kỹ thuật để cung cấp cho thị trường.

Lựa chọn theo con đường kinh doanh, sinh viên sẽ được tiếp cận với các doanh nghiệp thương mại về thiết bị, nguyên vật liệu, hóa chất thuộc lĩnh vực chuyên ngành. Tại đây, sinh viên sẽ có cơ hội phát huy những kiến thức kỹ thuật vào lĩnh vực kinh doanh, đem lại hiệu quả cao cho doanh nghiệp.

Thông tin liên hệ:
Văn phòng:     Phòng 103, nhà C4, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội
Email:             SCE-DSM@hust.edu.vn; bmsilicat@gmail.com
Website:          https://scls.hust.edu.vn
Facebook:       https://www.facebook.com/silicatbachkhoahanoi
Điện thoại:      024. 3869 2517

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây