Trường Hóa và Khoa học Sự sốnghttp://scls.hust.edu.vn/uploads/scls/logo-dhbk-1-02_130_191.png
Chủ nhật - 19/01/2025 20:58
Chiều ngày 17/1, tại phòng C3-309, Đại học Bách khoa Hà Nội, Nghiên cứu sinh (NCS) Laura Lamkowski đã trình bày seminar khoa học với chủ đề "Efficient isolation of valuable target molecules from plant-based extracts". Đây là hoạt động khoa học định kỳ của Khoa Hóa học và Khoa Kỹ thuật hóa học nhằm tăng cường năng lực nghiên cứu và thúc đẩy trao đổi học thuật giữa các học giả trong và ngoài nước.
Tham dự seminar có các nhà khoa học đồng thời là giảng viên của trường Hóa và Khoa học Sự sống, Đại học Bách khoa Hà Nội, bao gồm PGS. TS. Đặng Trung Dũng - Trưởng Khoa Kỹ thuật Hóa học, PGS. TS. Nguyễn Xuân Trường - Trưởng Khoa Hóa học cùng các giảng viên từ các nhóm chuyên môn khác nhau.
NCS Laura Lamkowski hiện đang công tác tại Viện Max Planck về Động lực học của các Hệ thống Kỹ thuật Phức tạp (MPI), dưới sự hướng dẫn của GS. TS. Seidel Morgenstern và GS. TS. Heike Lorenz.
Trong bài thuyết trình của mình, NCS Laura đã giới thiệu sơ bộ về các nhóm nghiên cứu tại MPI, bao gồm nhóm nghiên cứu về Động lực học quy trình (GS. TS. Achim Kienle), Cơ sở vật lý và hóa học về Kỹ thuật quy trình (GS. TS. Seidel Morgesntern) và Kỹ thuật hệ thống quy trình (GS. TS. Kai Sundmacher). Tiếp theo cô trình bày những nguyên tắc cơ bản về kỹ thuật kết tinh (bao gồm cân bằng pha và động học quá trình). Sau đó một loạt các ứng dụng quá trình kết tinh để sản xuất bền vững và tinh chế các hợp chất đã được trình bày:
- Phân tách đồng phân quang học
- Tách các sản phẩm có giá trị gia tăng khỏi các hỗn hợp đa thành phần phức tạp như Artemisinin từ cây thanh hao hoa vàng, rutin từ hoa hòe và curcumin từ củ nghệ.
Nghiên cứu này không chỉ đóng góp vào việc tạo ra các sản phẩm có giá trị cao, mà còn thể hiện sự hợp tác hiệu quả giữa các nhóm nghiên cứu của Đại học Bách khoa Hà Nội (đại diện là PGS. TS. Nguyễn Minh Tân và PGS.TS Vũ Đình Tiến ) và Viện Max Planck (đại diện là GS. TS. Seidel Morgesntern) . Sự hợp tác đã góp phần đào tạo 2 tiến sĩ, đăng ký thành công 1 bằng sáng chế và xuất bản nhiều bài báo trên các tạp chí quốc tế uy tín.
Buổi seminar là cầu nối quan trọng, thúc đẩy hợp tác quốc tế và khẳng định tiềm năng ứng dụng nguồn tài nguyên thực vật phong phú của Việt Nam vào các lĩnh vực khoa học và công nghệ hiện đại.