Trường Hóa và Khoa học Sự sốnghttp://scls.hust.edu.vn/uploads/scls/logo-dhbk-1-02_130_191.png
Thứ sáu - 09/06/2023 09:51
Sáng nay (9/6/2023), đến Đại học Bách khoa Hà Nội, tham dự chuỗi hoạt động Triển lãm Ngày hội sáng tạo khoa học 2023, Hội nghị tổng kết hoạt động Sinh viên NCKH và sáng tạo, phát động cuộc thi Sáng tạo trẻ 2023…, bạn chắc sẽ thốt lên: “Lạc lối ở… Bách khoa” vì độ hấp dẫn, ấn tượng đến quên lối về!
Theo PGS. Huỳnh Đăng Chính – Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội, thực hiện chủ trương Chuyển đổi số, Chuyển đổi xanh và Đổi mới sáng tạo, Lãnh đạo Đại học phấn khởi khi nhận thấy các sản phẩm nghiên cứu của sinh viên ngày càng xanh hơn, tiệm cận với các xu hướng phát triển của công nghệ số, đồng thời cũng gần thêm với thực tế, mang hơi thở thời sự xã hội, mang tính nhân văn cao.
Hội nghị Sinh viên NCKH lần thứ 40 năm nay có 353 đề tài đủ điều kiện tham dự; thu hút 1.113 sinh viên; 65 công bố khoa học từ các đề tài; 50 video thực tế BK-V.ideas. Các chỉ số đều tăng 20% so với năm trước.
Với 100 sản phẩm NCKH tại triển lãm, các vị khách sáng nay đã “cuốn” theo sức trẻ từ những nghiên cứu xanh; những sắc màu nóng của nhiệt huyết, đam mê; những gam màu sáng lấp lánh của ánh mắt tự tin; và cả những trái tim hồng, hạnh phúc đôi lứa yêu nhau… của các sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội.
Sinh viên Bách khoa Hà Nội nghiên cứu Xanh
Triển lãm Ngày hội sáng tạo khoa học 2023, có rất nhiều sản phẩm NCKH của sinh viên Bách khoa giải quyết các bài toán về môi trường: Ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước, kinh tế tuần hoàn…
Sinh viên K63, Trường Hóa và Khoa học sự sống Mai Xuân Tuấn và hai bạn Nguyễn Minh Châu và Bùi Thị Ngọc Bích rất tự hào giới thiệu về nghiên cứu chế tạo hạt polymer sinh học có chứa sắt nano ứng dụng trong xử lý môi trường của các em. Nhóm sinh viên đã chế tạo thành công hạt Ca-alginate có chứa sắt nano hóa trị 0 bằng quy trình đơn giản. Hạt Ca-alginate được tổng hợp bằng phương pháp hóa học xanh và bao bọc bởi polyme sinh học. Sắt nano được phân bố đều trong hạt Ca-alginate và không xuất hiện tương tác hóa học giữa alginate và sắt nano. Kết quả nghiên cứu cho thấy hạt có khả năng xử lí hiệu quả và tái sử dụng nhiều lần với chất màu Rhodamine B (RhB); Đạt hiệu xuất xử lí hơn 80% trong điều kiện pH trung tính và thời gian xử lí 180 phút. Vật liệu Alginate sắt nano hứa hẹn là vật liệu có tiềm năng xử lí ô nhiễm môi trường trong tương lai.
Với sự hướng dẫn của thầy giáo PGS. Đặng Trung Dũng và TS. Lã Đức Dương, đây là đề tài nghiên cứu khoa học mới về vấn đề này. “Nhóm em rất tự hào vì là “người mở đường”! Cùng các thầy, chúng em đã có công bố khoa học trên các tạp chí uy tín trong nước và quốc tế.” – Xuân Tuấn cười rất tươi chia sẻ.
Một đề tài NCKH cũng của nhóm sinh viên Trường Hóa và Khoa học sự sống: Nguyễn Thị Ngọc Lan, Nguyễn Khánh Linh, Phan Ngọc Tú, giảng viên hướng dẫn: PGS. Hoàng Thị Bích Thủy - thể hiện “màu Xanh” ngay từ cái tên: Nghiên cứu biến tính điện cực in cacbon (SPCE) bằng hạt nano vàng để chế tạo cảm biến cầm tay ứng dụng trong giám sát môi trường. Với nghiên cứu này, có thể xác định nồng độ ion kim loại nặng trong nước; xác định dư lượng kháng sinh trong thực phẩm. Điện cực in cacbon được biến tính bằng nano vàng cho kết quả có độ nhạy cao và giới hạn phát hiện thấp.
5 cô gái Trường Vật liệu: Bùi Bích Hảo, Hoàng Phương Mai, Ngô Thị Nhài, Nguyễn Thị Nhật, Nguyễn Thị Thảo rất tự hào giới thiệu về sản phẩm mang tính liên ngành cao của mình: Vải dệt từ xơ chuối bông hóa. Để hoàn thành đề tài nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của PGS. Nguyễn Minh Tuấn và Thạc sỹ Cao Thị Hoài Thủy, các em đã học hỏi thêm những kiến thức về Hóa học, có những liên hệ với lĩnh vực Cơ khí… - những kiến thức mới với sinh viên ngành Dệt may. Càng tìm hiểu, các cô gái lại càng thích thú với tính liên ngành khi tham gia NCKH.
“Đó chính là đặc trưng của sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội. Chúng em có cơ hội để học hỏi, thực hành các kiến thức liên ngành, mở ra những ý tưởng nghiên cứu mới trong tương lai” – Bùi Bích Hảo nói. Cầm sản phẩm vải dệt xanh mướt màu lá chuối non, khuôn mặt các các nữ sinh viên Trường Vật liệu, Đại học Bách khoa Hà Nội sáng bừng tự hào, hạnh phúc.
Bộ Thiết bị đo nồng độ bụi mịn với 3 chiếc hộp nhỏ xinh trong suốt là một nghiên cứu Xanh hướng tới môi trường – sản phẩm của nhóm sinh viên Trường Điện – Điện tử: Nguyễn Minh Đức, Nguyễn Ngọc Sơn, Lê Chí Tuyền, Nguyễn Thị Liên, Nguyễn Huy Thái Duy; Giảng viên hướng dẫn: TS. Hàn Huy Dũng. 3 chiếc hộp tượng trưng cho 3 môi trường khác nhau. Môi trường 1: Cấp ẩm để môi trường đạt độ ẩm cao, sau đó tiến hành đo đạc nồng độ bụi mịn. Môi trường 2: Không can thiệp, giữ nguyên độ ẩm và đo đạc nồng độ bụi mịn để đối chiếu và so sánh. Môi trường 3: Được xử lý tăng ẩm rồi sau đó giảm ẩm bằng hiệu ứng ngưng tụ nhằm khảo sát mối quan hệ giữa độ ẩm và số đo nồng độ bụi bằng cảm biến quang học.
“Sản phẩm cuối cùng sẽ chỉ có một hộp. Chúng em sẽ tiếp tục nghiên cứu để có những phiên bản hoàn thiện hơn” – Nguyễn Minh Đức bày tỏ quyết tâm.
Sản phẩm NCKH mang hơi thở công nghệ số
Công nghệ thực tế ảo đã hiện diện ngay trong các sản phẩm NCKH của sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội. Sản phẩm mang tên rất ấn tượng: Song sinh số vận hành robot bay do nhóm sinh viên Trường Điện – Điện tử : Phan Quang Tuấn, Nguyễn Đình Hùng, Phạm Biên Thùy, Lê Quốc Việt, giảng viên hướng dẫn: TS. Phạm Văn Tiến – đã thu hút rất đông người trải nghiệm.
Đây là một máy bay không người lái bốn cánh, nặng khoảng 2 kg, có tích hợp cánh tay robot, điều khiển bằng kính thực tế ảo và ứng dụng trên điện thoại di động. Sản phẩm ứng dụng trong việc gắp, thả các vật trong môi trường nguy hiểm. Người dùng đeo kính thực tế ảo, điều khiển cánh tay robot để thực hiện các động tác.
Với sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội, học tập ở lĩnh vực nào cũng có thể ứng dụng, tích hợp các kiến thức tưởng chừng không phải chuyên môn của mình vào các NCKH. Như hai sinh viên Viện Sư phạm Kỹ thuật Ngô Lam Trường, Hoàng Nghĩa Tùng dưới sự hướng dẫn của giảng viên: TS. Nguyễn Thị Huyền, Thạc sỹ Bùi Ngọc Sơn – đã trình diễn công nghệ thực tại tăng cường ấn tượng với những bài học tiếng Anh về con khủng long. Thầy cô và các bạn yêu mến gọi các sinh viên là: Nhóm khủng long!
Ngô Lam Trường rất nhiệt tình giới thiệu đề tài Nghiên cứu phát triển học liệu cho việc dạy học tiếng Anh qua Công nghệ thực tại tăng cường: “Đây là công nghệ xây dựng các nội dung đa phương tiện ảo qua màn hình để làm phong phú thế giới thực. Trong nghiên cứu này, chúng em có ứng dụng Công nghệ thực tại tăng cường (AR) để phát triển học liệu cho môn Tiếng Anh lớp 7 về chủ để thế giới khủng long. Một thực nghiệm nhỏ đã được tiến hành với 40 học sinh và 6 thầy/cô giáo trong tổ bộ môn giảng dạy tiếng Anh tại một trường THCS ở Hà Nội. Kết quả thực nghiệm cho thấy cả học sinh và giáo viên đều có phản hồi rất tích cực về sản phẩm của chúng em”.
Trường khẳng định, nếu có yêu cầu làm nhiều hơn hình ảnh khủng long, nhóm sẵn sàng triển khai ngay: Hiện tại, chúng em chỉ cần mất 5-10 phút cho một con vật!
Nhiều kết quả nghiên cứu gắn kết nhu cầu thực tiễn, mang tính nhân văn
Theo đánh giá của PGS. Lê Hiếu Học – Viện trưởng Viện Sư phạm Kỹ thuật, sản phẩm nghiên cứu sáng tạo của các sinh viên Bách khoa bao gồm cả các nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng để giải quyết các bài toán thực tế của đời sống. Nhiều kết quả nghiên cứu có sự gắn kết với nhu cầu thực tiễn của xã hội như nghiên cứu “Xác định khoảng sáng sau gáy thai nhi bằng ảnh siêu âm” của sinh viên Trường CNTT&TT, nghiên cứu bài giảng trực tuyến của sinh viên Viện Sư phạm Kỹ thuật, nghiên cứu có thể ứng dụng tại doanh nghiệp như đề tài “Ứng dụng công nghệ băng thông siêu rộng X Y dựng hệ thống định vị vật thể trong nhà kho” của sinh viên Trường Cơ khí…, hay các nghiên cứu giải quyết các bài toán đang rất nóng của môi trường về tái chế, tái sử dụng theo tiếp cận kinh tế tuần hoàn của sinh viên Trường Hóa và Khoa học sự sống, nghiên cứu giải quyết vấn đề trong an ninh mạng như đề tài “Tái định danh người trong các hệ thống camera giám sát” của sinh viên Trường Điện – Điện tử…
Còn PGS. Phạm Văn Sáng – Phó Hiệu trưởng Trường Cơ khí nhận định Hội nghị sinh viên NCKH là hoạt động thường niên và luôn luôn thu hút sự tham gia tích cực nhiệt tình của đông đảo sinh viên các khóa. Các hướng nghiên cứu của sinh viên của Trường tập trung theo các lĩnh vực chuyên ngành Cơ điện tử, cơ khí chế tạo, cơ khí động lực, và năng lượng nhiệt.
Tại Triển lãm, ngôi nhà đầy đủ tiện nghi với chú mèo vàng nằm lười bên hiên, cả gia đình sinh hoạt bằng hệ thống năng lượng điện thông minh từ mặt trời đã thu hút rất đông khách tham quan. Hệ thống cho phép tích hợp, điều khiển các thiết bị có sẵn trên thị trường trong một nền tảng tập trung. Từ đó hệ thống sẽ phân tích thói quen sử dụng và hỗ trợ thiết lập chức năng trong việc tự động hóa tối ưu năng lượng điện sử dụng.
Hòi đùa nhóm sinh viên Trường Điện - Điện tử: Nguyễn Tường Minh, Phạm Thùy Linh, Bùi Bích Diệu, Nguyễn Ngọc Hưng, Kiều Bá Duy: Nhà này giàu nhỉ, có gara rất to. Các em cười vui: Nhà chúng em có xe đạp điện và xe máy điện thôi ạ!
Nếu đam mê về robot, chắc chắn người xem sẽ khó rời mắt khỏi mẫu thiết kế nguyên mẫu của rô bốt tự hành dạng chó bốn chân và hệ thống xử lý thu nhận thông tin từ môi trường. Hướng nghiên cứu có thể ứng dụng và tích hợp với hệ cảm biến và camera, đào tạo mô hình phân đoạn ngữ nghĩa đa lớp để tăng khả năng phát hiện các đối tượng vật cản khác nhau, hình thành nên các kế hoạch điều hướng rô bốt phù hợp trong môi trường giao thông thông minh.
Các vị khách tham quan cũng rất tò mò trước sản phẩm Canxi hydroxyapatite (HA dạng bột). Đây là sản phẩm của 3 nữ sinh viên Trường Hóa và Khoa học sự sống. Sản phẩm có tiềm năng ứng dụng trong y học như bổ sung canxi, làm vật liệu phẫu thuật, cấy ghép xương và răng...
Xu hướng nghiên cứu liên ngành của sinh viên Đại học Bách khoa ngày càng rõ rệt, khi nhiều sinh viên tham dự đăng ký các đề tài sử dụng kiến thức kỹ năng một ngành để giải quyết các bài toán của ngành khác, như “Nghiên cứu tổng hợp vật liệu cấu trúc liên thông từ Polycaprolacton – Cacbonate Apatite bằng phương pháp in 3D cho ứng dụng cấy ghép xương” được trình bày trong phân ban Khoa học và Kỹ thuật Vật liệu, nghiên cứu tổng hợp vật liệu compozit (vật liệu tổng hợp) ứng dụng trong y sinh; đề tài “Máy in 3D tích hợp đa chức năng ứng dụng trong công nghệ mô và y học tái tạo” của sinh viên Trường Cơ khí…
Nghiên cứu mang lại hiệu quả thiết thực, gần gũi với cuộc sống thường ngày của sinh viên Trường Vật liệu cũng thu hút đông khách đến từ các doanh nghiệp tham quan. Sản phẩm nghiên cứu mang lại cảm giác thoải mái cho người sử dụng. Mũ giầy được thiết kế một các chính xác tùy theo kích thước của bàn chân chủ nhân mà không cần phải qua công đoạn cắt, may như giày da, giày vải khác. Công nghệ dệt kim định hình thiết kế kiểu dệt phong phú, họa tiết đa dạng, đáp ứng tốt các tiêu chuẩn về độ bền, độ đàn hồi, độ thoáng khí…cho mũ, giày.
Sản phẩm trưng bày gần nhau, trái tim hai trưởng nhóm… bên nhau
Có một bàn trưng bày sản phẩm với hai trưởng nhóm cùng học Trường Cơ khí, cùng thầy giáo hướng dẫn là TS. Đinh Văn Duy - rất đặc biệt. Đó là Trưởng nhóm Đặng Thị Trang và sản phẩm Hệ thống cấp phôi tự động cho bộ khuôn dập vuốt và Trưởng nhóm Nguyễn Văn Sinh với sản phẩm Hydroforming Ball.
Nhóm của Đặng Thị Trang có các thành viên: Dương Văn Tỉnh, Phan Thanh Nam, Mai Sỹ An, Nguyễn Quang Hậu. 5 sinh viên đã nghiên cứu, chế tạo hệ thống cấp phôi tự động cho bộ khuôn dập vuốt bao gồm các cơ cấu: Nâng phôi bằng động cơ bước, hút nhả phôi bằng giác hút chân không, vận chuyển phôi bằng hệ thống xi lanh khí nén và băng tải. Quá trình cấp phôi tự động được điều khiển qua PLC giúp naagn cao năng suất, độ chính xác, an toàn cho quá trình dập sản phẩm.
Nhóm của Nguyễn Văn Sinh có các thành viên: Phạm Văn Chung, Trần Hải Sơn, Bùi Duy Tuấn, Phạm Đức Tuấn. Các sinh viên đã nghiên cứu, chế tạo sản phẩm là chi tiết hình cầu kim loại có kích thước 24 x 24 x 24 (cm), vật liệu SUS304, dày 0.8mm, đường kính 400mm được chế tạo bằng công nghệ dập chất lỏng cao áp. Sản phẩm là mô hình thu nhỏ của các bồn chứa hóa chất có kích thước lớn hoặc là chi tiết trong các công trình kiến trúc mang tính biểu tượng.
Hỏi nhóm Đặng Thị Trang: Cô gái Cơ khí lãnh đạo các chàng trai có khó không. Trong khi trưởng nhóm chỉ cười, 4 chàng trai thành viên thi nhau giãi bày: Bọn em nâng niu bạn Trang lắm, Trang lãnh đạo chúng em không có gì khó khăn đâu! Riêng trưởng nhóm “hàng xóm” Nguyễn Văn Sinh mạnh bạo tiến ngay đến bên cạnh Đặng Thị Trang “chốt”: Em nâng niu Trang nhất!
Thì ra Sinh và Trang là một cặp đôi sinh viên Trường Cơ khí, hai trưởng nhóm thi cùng nhau. Kết quả: Nhóm Sinh giành giải Nhất, nhóm Trang giành giải Nhì sinh viên NCKH cấp Nhóm chuyên môn Gia công áp lực. Thầy hướng dẫn TS. Đinh Văn Duy thật “mát tay” khi các sinh viên NCKH có sản phẩm triển lãm chất lượng, hơn nữa còn đơm hoa kết trái tình cảm trong quá trình học tập, NCKH!
“Bí kíp” thầy cô Bách khoa Hà Nội khơi lửa sáng tạo trong sinh viên
PGS. Nguyễn Thị Hồng Minh - Phó Trưởng phòng Quản lý nghiên cứu, ĐHBK Hà Nội - khẳng định tăng cường sự tự chủ của các đơn vị thuộc Đại học đã tạo ra hướng đi mới gia tăng sự hấp dẫn cho các định hướng nghiên cứu và khuyến khích tiềm năng nghiên cứu sáng tạo trong sinh viên. Thêm vào đó, sự tham gia của doanh nghiệp và đối tác bên ngoài phản ánh sự quan tâm của xã hội với nghiên cứu sáng tạo và giáo dục.
Cùng đó, nằm trong chiến lược Chuyển đổi số của Đại học Bách khoa Hà Nội, việc đăng ký tham dự hoạt động nghiên cứu và sáng tạo của sinh viên được số hóa, nâng cấp và lưu trữ trên hệ thống quản lý chung eHUST của Nhà trường, thuận tiện trong công tác quảng bá, thống kê, tổng hợp dữ liệu, lưu trữ và quản lý.
Với quy trình này, sự chủ động nằm trong tay sinh viên. Áp dụng quy trình số hoá cho Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học lần thứ 40, gần 450 lượt đề tài nghiên cứu của sinh viên đã nộp trên hệ thống, với hơn 1.100 sinh viên tham gia Hội nghị. Số đề tài báo cáo trình chiếu, số video dự thi cuộc thi truyền thông bên lề và số sản phẩm đăng ký tham dự triển lãm đều tăng 20% so với các năm trước.
Có lẽ, một trong những lý do để sinh viên Đại học Bách khoa ngày càng đam mê học tập, NCKH chính là các em gặp được những người thầy, người cô tận tâm với sinh viên. Các sinh viên NCKH khi nói về những thầy/cô giáo hướng dẫn mình đều kể những câu chuyện với tình cảm yêu mến và lòng biết ơn. 100% sinh viên chia sẻ: Nếu không có thầy/cô, chúng em không có ngày hôm nay. Có sinh viên xúc động nói về những lần chán nản muốn bỏ cuộc, nhưng thầy/cô giáo động viên nên em lại cố gắng.
Sinh viên Mai Xuân Tuấn – Trường Hóa và Khoa học sự sống – chia sẻ: Thầy Dũng của em (PGS. Đặng Trung Dũng) kể lúc học ở Hàn Quốc, vì nhà ở xa, thầy làm nghiên cứu đến 1-2 giờ sáng ở trường, không ít hôm còn ngủ lại luôn để sáng dậy lại lao vào làm thí nghiệm, thử mẫu. “Gặp thất bại, chưa được như ý là việc bình thường với một nhà khoa học. Các em phải kiên định, cố gắng trên con đường của mình” – Thầy hay động viên chúng em như vậy. Em mong sau này được thành công như thầy – Tuấn nói.
Hay như Nguyễn Văn Sinh kể về thầy hướng dẫn cho em đến xưởng của thầy ở Nam Định ăn, ngủ để làm sản phẩm. Trước hôm triển lãm, Sinh đã thức cả đêm để làm sản phẩm. Dù chính sinh viên chưa ưng ý nhưng thầy hướng dẫn vẫn dành lời khen cho cậu học trò quyết tâm cao, còn dặn dò đi đường xa phải cẩn thận. Lên đến nơi, Sinh gọi điện thoại thầy ngay để thầy yên tâm. “Tình cảm của thầy đã động viên nhóm chúng em rất nhiều”. Sinh xúc động chia sẻ.
Nhà trường luôn có những cơ chế, chính sách, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới nhất trong các hoạt động; thầy/cô giáo luôn tình cảm động viên, khuyến khích sinh viên NCKH, hướng các em góp chất xám giải quyết những bài toán của xã hội, cống hiến sức trẻ cho cộng đồng… chính là những “bí kíp” để hoạt động NCKH trong sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội ngày một chất lượng, phát triển vững mạnh.
Tại buổi lễ, Ban Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội đã trao các giải thưởng cho các cá nhân và tập thể xuất sắc trong năm học vừa qua trong công tác NCKH, đạt giải trong các cuộc thi khoa học, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Cụ thể: Các đơn vị và thầy cô đạt các danh hiệu của Bộ GD&ĐT; Các cá nhân và tập thể đạt giải NCKH năm 2022: Giải sinh viên NCKH cấp Đại học năm 20222-2023, Giải Bình chọn Video-V.IDeas, Giải Hạng mục Triển lãm; Giải Olympic; Giải Cuộc thi "SV. Startup".
Để khuyến khích thúc đẩy đổi mới sáng tạo qua nghiên cứu khoa học đến từ sinh viên, Đại học Bách khoa liên tục tạo ra những sân chơi mới, những hoạt động khoa học công nghệ hấp dẫn. Cuộc thi SÁNG TẠO TRẺ mang thương hiệu Bách khoa đã đi qua 5 mùa thi với nhiều cung bậc của sáng tạo.
Tại sự kiện triển lãm và tổng kết này, Đại học Bách khoa Hà Nội phát động Cuộc thi Sáng tạo trẻ 2023 (Young Innovator Challenge) có chủ đề “Smart up for life” (Sáng tạo vì cuộc sống). Mục tiêu của cuộc thi nhằm tạo môi trường hỗ trợ học tập, nghiên cứu thông qua trải nghiệm sáng tạo của người học tại các trường đại học; hướng tới thúc đẩy hoạt động sáng tạo khoa học kỹ thuật tạo ra các sản phẩm hữu ích trong cuộc sống; tạo diễn đàn chia sẻ, hỗ trợ và thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo giữa các trường đại học, doanh nghiệp và xã hội, đặc biệt là tính khả thi kinh doanh.
Các mốc thời gian Cuộc thi Sáng tạo trẻ 2023 xemTẠI ĐÂY