Trường Hóa và Khoa học Sự sốnghttp://scls.hust.edu.vn/uploads/scls/logo-dhbk-1-02_130_191.png
Thứ hai - 04/11/2024 09:24
Tiếp sau buổi Seminar khoa học về phát triển xanh bền vững cho nông nghiệp vào ngày 19/9/2024, sáng ngày 30/10/2024, tại phòng C3-309, văn phòng Khoa Kỹ thuật Hóa học và Khoa Hóa học, nhóm các nhà khoa học và doanh nghiệp Nhật Bản đã có buổi làm việc với đại diện của SCLS nhằm trao đổi về hợp tác dự án nghiên cứu về phát triển và ứng dụng công nghệ xử lý phế phẩm nông nghiệp. Buổi làm việc diễn ra bằng cả 2 hình thức offline và online trong không khí thân mật, cởi mở với sự tham gia của nhiều đại diện quan trọng từ cả hai bên.
Đại diện phía SCLS bao gồm các nhà khoa học uy tín như PGS. Phan Trung Nghĩa (Khoa Hóa học), PGS. Đặng Trung Dũng (Trưởng Khoa Kỹ thuật Hóa học), cùng các nhà khoa học thuộc nhóm chuyên môn Công nghệ Giấy và Bao bì, Khoa Kỹ thuật Hóa học như PGS. Phan Huy Hoàng, PGS. Lê Quang Diễn và PGS. Đặng Việt Hưng.
Đại diện đoàn Nhật Bản có ông Seiichi Kuriyama - Tổng Giám đốc điều hành bộ phận bán hàng công nghiệp và quản lý trung hòa carbon, bà Kaoru Kato từ Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), và các nhân viên, lãnh đạo từ các công ty và cơ quan chính phủ Nhật Bản như KPMG, Kusaso Sakko Inc cùng các nhà khoa học từ ĐH Hokkaido.
Mở đầu buổi làm việc, PGS. Đặng Trung Dũng đã giới thiệu tổng quan về lịch sử phát triển và cơ cấu tổ chức của SCLS, nơi đang thu hút 1.800 sinh viên mỗi năm với các chương trình đào tạo từ chuẩn đến tiên tiến, trong đó có hợp tác với Đại học Adelaide của Úc trong chương trình Hóa Dược tiên tiến.
Tiếp đến, các nhà khoa học của SCLS và JICA Nhật Bản đã tiến hành trao đổi về các mục tiêu của dự án nghiên cứu hợp tác dài hạn, bao gồm:
Mục tiêu: Tập trung phát triển công nghệ xử lý phế phẩm nông nghiệp lignocellulose để tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng và vật liệu sinh học ứng dụng trong nông nghiệp. Dự án hướng đến việc hình thành chuỗi cung ứng tuần hoàn và giảm phát thải khí nhà kính, đóng góp vào sự phát triển bền vững cho nông nghiệp.
Kết quả dự kiến: Cả hai bên mong muốn phát triển một quy trình công nghệ sản xuất nanocellulose từ phế phẩm nông nghiệp tại Việt Nam, tạo nên màng composite sinh học ứng dụng trong bảo quản trái cây và sản xuất vật liệu nano-biocomposite. Dự án kỳ vọng có thể công bố 20 bài báo khoa học và đăng ký 1-2 bằng sáng chế.
Địa điểm thực hiện: Dự án sẽ triển khai ở nhiều khu vực khác nhau tại Việt Nam, bao gồm Tây Nguyên (xử lý bã cà phê và bã mía), Hưng Yên, Hòa Bình, Đồng Nai (phát triển ứng dụng cho cây chuối).
Hoạt động dự án: Dự án sẽ bao gồm nhiều hoạt động nghiên cứu như sản xuất nanocellulose từ phế phẩm, phát triển màng composite sinh học và ứng dụng chúng trong bảo quản và sản xuất vật liệu nano-biocomposite.
Qua buổi trao đổi này, cả hai bên đã tìm thấy nhiều điểm chung và đặt nền tảng cho một mối quan hệ hợp tác bền chặt, hướng đến mục tiêu phát triển công nghệ xử lý phế phẩm nông nghiệp bền vững, đồng thời mở ra cơ hội nghiên cứu, phát triển và ứng dụng các công nghệ tiên tiến cho các sản phẩm sinh học có giá trị cao trong tương lai.